Sự đổ bộ của những đại gia mới
Sau một thời gian đồn đoán, thương hiệu môtô nổi tiếng nhất nước Mỹ đã chính thức đặt chân vào Việt Nam thông qua một nhà phân phối chính hãng.
Ngay trong buổi khai trương đại lý đầu tiên, gần 30 mẫu xe thuộc 5 dòng xe chính của thương hiệu này gồm Sportster, Dyna, Softail, Touring và CVO đã trình làng với mức giá đắt ngang xe hơi, từ 336 triệu đồng đến 1,176 tỷ đồng. Đi kèm với hàng chục mẫu xe mới là những đồ phụ kiện đúng chất Harley cùng mức giá khủng không kém.
Theo một số nguồn tin, dù có giá ngang ngửa xe hơi, hơn 20 chiếc Harley Davidson bản 2014 chính hãng đầu tiên đã được bán.
Trước đó không lâu, thương hiệu môtô Áo KTM cũng đánh dấu sự có mặt của mình tại Việt Nam với hai đại lý ở Hà Nội và TP HCM. Cùng với đó là sự xuất hiện của cả chục mẫu xe mới với giá từ hơn trăm triệu đồng tới nửa tỷ đồng.
Không chỉ vậy, liên doanh xe máy lớn thứ 2 Việt Nam Yamaha đã xác nhận sẽ gia nhập vào sân chơi xe phân khối lớn với sự xuất hiện những lựa chọn đầu tiên trong năm 2014.
Động thái của Yamaha được nhận định là tất yếu khi quy định về bằng A2 được nới lỏng. Sự xuất hiện của những dòng naked bike được bật mí là giá mềm của Yamaha chắc chắn sẽ khiến các đối thủ đang có mặt trên thị trường lo ngại.
Sau Yamaha, rất có thể Honda, Piaggio cũng sẽ nhảy vào thị trường môtô khi mà doanh số các dòng xe máy số và xe ga thông thường liên tục có xu hướng giảm.
Thị trường có bùng nổ khi giá vẫn trên trời?
Cho tới nay, dù có quy mô chưa lớn nhưng thị trường xe phân khối lớn tại Việt Nam đã có gần đủ anh tài với những thương hiệu lớn như Ducati, Bennelli, KTM, Kawasaki hay Suzuki với hàng trăm lựa chọn khác nhau về kiểu dáng và giá cả.
Tuy nhiên, doanh số của tất cả các thương hiệu này vẫn ở mức thấp bởi giá xe quá cao và có nhiều rào cản trong việc sở hữu xe.
Việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư số 38/2013 bãi bỏ hạn chế đối tượng cấp bằng A2 dành cho người điều khiển môtô hai bánh có dung tích động cơ trên 175 phân khối sẽ gỡ bỏ đáng kể những khó khăn trong việc mua và sử dụng xe phân khối lớn. Tuy nhiên, điều này liệu có đủ mạnh để khiến thị trường môtô Việt thực sự bùng nổ?
Trao đổi với phóng viên, một đại diện giấu tên của nhà phân phối một thương hiệu môtô lớn tại Việt Nam nhận định thị trường môtô sẽ có thêm nhiều lựa chọn mới nhưng không dễ để bùng nổ bởi vẫn còn quá nhiều khó khăn khiến giá xe tiếp tục trên trời.
Theo đại diện này, ngay ở nước ngoài, xe phân khối lớn cũng được xếp vào một mặt hàng không phải dành cho số đông, đặc biệt là những xe thể thao trên 800 phân khối. Giá xe môtô tại Mỹ với những thương hiệu lớn như Harley Davidson đắt chẳng kém gì xe ôtô bình dân.
Khi về Việt Nam, giá xe phải chịu thêm khá nhiều loại thuế phí. Chẳng hạn xe nhập từ khu vực WTO sẽ phải chịu thuế nhập khẩu 85%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTDB) 20% và 10% thuế VAT. Với xe nhập từ khu vực AFTA mức thuế giảm đi khá nhiều với mức 25% thuế nhập khẩu, 20% thuế TTDB và 10% thuế VAT
Con số tương ứng với xe nhập từ khu vực ASEAN là 5% thuế nhập khẩu, 20% thuế TTDB và 10% thuế VAT.
Cho tới nay, phần lớn các xe môtô nhập chính hãng đều đến từ Mỹ, Châu Âu tức là các nước thuộc khu vực WTO nên giá xe sau khi về Việt Nam (chưa tính chi phí vận chuyển, chi phí hải quan, bến bãi và tiền lãi của đại lý phân phối) đã cao hơn giá niêm yết của nhà sản xuất khoảng 2,5 lần.
Do vậy, giá xe khi tới tay khách hàng luôn ở mức ngất ngưởng. Bên cạnh đó, thủ tục đưa xe về nước cũng như đăng kiểm xe không đơn giản cho nhà phân phối như nhập lô nào đăng kiểm lô đó, đăng kiểm và nộp đầy đủ thuế phí mới được thông quan trong khi việc đăng kiểm một dòng xe đôi khi có thể kéo dài vài tháng, thậm chí cả năm khiến nhà phân phối “khóc dở mếu dở” vì kẹt vốn, tốn kém tiền bến bãi và tất cả những chi phí đó đều đổ vào giá xe.
Vì thế, dù nhận định thị trường Việt Nam rất tiềm năng nhưng miếng bánh này không dễ nhằn với hầu hết các nhà phân phối. Phân khúc được dự đoán sôi động nhất có lẽ sẽ là xe thể thao dưới 200 phân khối với mức giá không quá cao đặc biệt là khi Yamaha hay Honda nhảy vào cuộc.
Theo VTC News