Ô tô giảm giá, bao giờ?

Thuế nhập khẩu, thuế trước bạ ô tô bắt đầu giảm mạnh, mở ra cơ hội cho người dân sở hữu ô tô cá nhân. Tuy nhiên, đang có lo ngại sự bùng nổ ô tô con sẽ dẫn đến kẹt cứng tại các đô thị.

Chờ ô tô giảm giá để mua

Từ ngày 1/1/2014, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm từ 60% xuống mức 50%; riêng xe tải và xe chuyên dụng được hưởng mức thuế suất 0-5% (Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-ATIGA mà Việt Nam tham gia). Đây là một tin vui đối với những người lâu nay muốn “sắm” ô tô.

ASEAN không phải là nôi của công nghiệp ô tô, nhưng không thiếu các nhà máy của các hãng lớn như Toyota hay Honda. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2013 có 8.826 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia trị giá gần 150 triệu USD (trong khi, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô cùng kỳ là 624 triệu USD).


Ô tô sẽ hạ giá

Quyết định giảm mạnh lệ phí trước ba đối với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi (Nghị định 23/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/3/2013) cũng góp phần làm sôi động thị trường ô tô, kể cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn này. Tính đến tháng 12/2013, mức thu thuế trước bạ tại hầu hết các địa phương giảm đồng loạt về 10%; riêng TP Hà Nội áp dụng mức 12%, TPHCM cũng chỉ thu 10% từ 1/1/2014.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô đánh giá: “Dù kinh tế khó khăn, nhưng với việc giảm thuế, số lượng ô tô, đặc biệt là ô tô cá nhân trong năm tới và các năm sau tăng, chắc chắn sẽ có những người đợi giảm thuế để mua xe”.

Anh Nguyễn Văn Vinh, chủ đại lý ô tô trên đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm - Hà Nội) nói: “Nhiều khách hàng vào xem xe, hỏi về thuế nhiều hơn cả xe”. Nhiều đại lý khác khi PV Tiền Phong tiếp xúc đều thông tin như trên về tâm lý chờ đợi của khách hàng. Đợi đến 2018 hãy mua xe nhập giá tốt, bền đẹp là lời “kêu gọi” của không ít thành viên trong các diễn đàn ô tô. Bởi lúc đó, giá một chiếc ô tô mới dự tính sẽ rẻ bằng 2/3 giá thành hiện tại.

Dựng thêm rào cản?

Với đa số người dân, sở hữu ô tô riêng là niềm mơ ước, nhưng chuyên gia giao thông lại có cái nhìn xa hơn. Theo đó, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông) nói: “Nhìn vào dòng phương tiện trong một điểm tắc đường sẽ thấy, xe con có phải là tác nhân chính hay không. Một chiếc 4-5 chỗ thường chỉ chở 1-2 người”. Giải pháp quan trọng nhất theo ông Thủy là nên hạn chế xe ô tô con, nhanh chóng phát triển phương tiện công cộng.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xe ô tô con luôn nóng. Số liệu của Bộ GTVT cho thấy, giai đoạn 2002-2012, tại Hà Nội, xe con tăng 17,23%/năm,

TPHCM 14,88%/năm. Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng đưa ra nghiên cứu tại Hà Nội: Dù chỉ bằng 10% số lượng xe máy, nhưng mức độ chiếm dụng đường của ô tô 55%; chiếm dụng chỗ đỗ là 60%. Trong khi đó, những con đường được mở ra nội đô như Xã Đàn khó khăn; việc “dọn đường” cho xe con vào nội đô không dễ.

Theo ông Hùng, ngay cả các nước có hạ tầng giao thông tốt như châu Âu cũng không tránh khỏi nạn ùn tắc do xe con gây ra; bị động trong quản lý. Trung Quốc một thời có chính sách ưu đãi để mỗi gia đình đều có ô tô, nhưng buộc phải dừng vào năm 2012 do nạn tắc đường.

Tuy thế, giấc mơ sở hữu ô tô của người Việt cũng không kém gì người Trung Quốc và bị kìm nén từ lâu. Khi thuế nhập khẩu, thuế trước bạ đã giảm, liệu nhà nước có đặt ra các rào cản khác.

Trả lời câu hỏi này, ông Khuất Việt Hùng - người chắp bút cho Đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam (được Bộ GTVT trình Chính phủ) mà trọng tâm là kiểm soát xe cá nhân, cho biết: Định hướng chính là không ngăn cản quyền sở hữu ô tô của người dân bằng phí sử dụng phương tiện cá nhân hay bất cứ loại phí áp dụng cho đa số. Bộ GTVT đề xuất giải pháp kiểm soát luồng lưu thông của phương tiện qua việc thu phí hoạt động, tiền trông giữ xe từng khu vực, thời điểm trong nội đô.


Theo Tiền Phong
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước