“Để bưng bít tiếng xấu trong khoảng thời gian 2009-2010, Toyota đã lừa dối các cơ quan quản lý, lừa dối khách hàng, thậm chí cả Quốc hội Mỹ,” Luật sư chưởng Preet Bharara tỏ ra cứng rắn, nghiêm khắc. “Thậm chí cả khi đưa ra những đảm bảo về việc giải quyết triệt để những vấn đề an toàn nhưng Toyota biết rất rõ vấn đề xe tăng tốc ngoài ý muốn vẫn đang tiếp diễn”.
Trong một tuyên bố ngay sau phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ, đại diện Toyota đã tỏ ra hối hận về hành động của tập đoàn và khẳng định họ đã khắc phục triệt để lỗi lầm của mình. Giám đốc pháp lý của Toyota Bắc Mỹ Christopher P. Reynolds nói: “Tại thời điểm diễn ra các cuộc triệu hồi, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về bất kỳ sự lo ngại nào mà chúng tôi đã gây ra cho khách hàng. Chúng tôi đã tự thay đổi để chiếm được lòng tin của khách hàng. Hơn 4 năm qua, chúng tôi đã trở lại vấn đề cơ bản của Toyota và đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu”.
Phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ không chỉ giải quyết dứt điểm hành động phạm tội của một hãng ô tô hàng đầu thế giới mà số tiền phạt 1,2 tỷ USD cũng lập kỷ lục. Đặc biệt, Toyota đã thừa nhận mình đã lừa dối khách hàng về 2 vấn đề khiến xe tăng tốc ngoài ý muốn, đồng thời nhanh chóng chấp thuận nộp phạt.
Ngoài ra, hành động kiên quyết của Bộ Tư pháp Mỹ còn khiến các nhà sản xuất ô tô phải e dè và nghiêm túc hơn, đặc biệt là vấn đề an toàn. Bản thân tập đoàn xe hơi Mỹ GM cũng đang rất lo lắng bởi họ đang bị điều tra về một vụ việc tương tự, khi phớt lờ triệu hồi xe lỗi.
Trên thực tế, khoản phạt kỷ lục 1,2 tỷ USD cũng không quá lớn với Toyota, khi dự kiến lợi nhuận ròng trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3 này dự kiến lên tới gần 17 tỷ USD. Khoản tiền bị phạt này cũng chỉ tương đương với việc xây dựng một nhà máy mới, một dự án nghiên cứu phát triển dòng xe mới hay phát triển công nghệ, an toàn trên xe hơi.
Theo VnMeida