Được biết, GM sẽ cùng 2 đối tác SAIC Motor và Wuling Motor (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mới với số vốn đầu tư lên đến 700 triệu USD tại xứ sở vạn đảo. Mục tiêu của kế hoạch này là biến Indonesia làm “bàn đạp” để đưa các dòng sản phẩm của GM sản xuất tại đây đến các quốc gia khác trong khu vực trước khi mở rộng ra toàn châu lục.
Thông cáo báo chí phát đi từ liên doanh SAIC-GM-Wuling cho biết, nhà máy tại Indonesia sẽ được khởi công ngay trong năm 2015 và hoàn thiện trong khoảng hơn một năm sau đó. Nhà máy này sẽ sản xuất các dòng xe mang thương hiệu Wuling dành riêng cho thị trường cùng một số các dòng xe khác để phục vụ khách hàng trong khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy sản xuất ô tô GM tại Indonesia có công suất lắp ráp trong năm đầu tiên vào khoảng 150.000 xe/năm, và sẽ gia tăng thêm vào những năm tiếp theo.
Một thực trạng rõ ràng hiện nay, đó là công nghiệp ô tô Việt Nam đang mất dần sức hút đầu tư từ các tập đoàn xe hơi lớn của thế giới.
Điển hình như Tập đoàn ô tô Mazda (Nhật Bản) đã chọn Thái Lan làm cơ sở sản xuất với quy mô lớn thay vì Việt Nam. Hay Toyota, Ford, Nissan… quyết định xây dựng nhà máy tại Thái Lan hay Indonesia với số vốn đầu tư từ 200-400 triệu USD, trong khi những khoản đầu tư về Việt Nam lại rất nhỏ giọt.
Một thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc, mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, mới đây cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia. Đến bây giờ không một hãng nào quy hoạch Việt Nam là điểm sản xuất ô tô, mà lựa chọn hầu hết là các nước xung quanh, Việt Nam chỉ là thị trường lắp ráp và tiêu thụ là chính.
Trước thực trạng này, PGS TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương - nhận định: "Chuyện họ không lựa chọn Việt Nam mà là các nước xung quanh là điều tất nhiên. Bởi ở đây họ không sống được, không có công nghiệp hỗ trợ, nội địa hóa không được, không hạ giá thành xuống được, điều này không chỉ riêng ô tô, mà nhiều lĩnh vực khác họ cũng đầu tư chủ yếu vào đây là dựa vào chính sách ưu đãi của chúng ta.
Dựa vào sự cấm nhập khẩu của chúng ta, dựa vào giá nhân công rẻ của chúng ta, nhưng khi những điều kiện đó không còn thì họ ra đi, đó là điều hiển nhiên".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho biết: "Ngành lắp ráp ô tô trong nước từ trước đến nay, vốn dĩ đã không có lợi thế. Còn các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng chỉ là để dành chiếc bánh thị phần nội địa, khi mà thuế quan chung, hội nhập vùng thì họ sẽ chọn nơi có lợi thế cạnh tranh, nên chuyện các tập đoàn sản xuất ô tô nước ngoài chọn các nước khác, thay vì Việt Nam là điều nhìn thấy rõ".
Nhìn nhận ở góc độ khác, TS Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho rằng, phải đặt ra câu hỏi tại sao mình có vấn đề gì mà người ta phải đi? Trả lời được câu hỏi đó thì mới có thể cải tiến, phát triển được, không thì chúng ta mãi mãi chỉ là lao động quèn, không có gì.
Bởi vì, lợi thế duy nhất là lao động giá rẻ dần rồi cũng sẽ hết, bởi dù có rẻ thì cũng phải làm ra cái họ cảm thấy bán được, chứ nếu không bán được cũng vứt đi. Đó chính là câu hỏi nếu cạn kiệt lợi thế, liệu chúng ta có còn được làm thuê?
Theo Báo Đất Việt