Lý lẽ của những chiếc xe triệu đô

Những ai từng xem phim Fast & Furious 7 hẳn không thể quên những cỗ máy 4 bánh cơ bắp và khỏe khoắn, trong đó có chiếc trị giá 3,4 triệu USD.

Khán giả xem phim chắc sẽ còn nhớ đến chiếc xe rất lâu dù rằng họ hầu như sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy chiếc xe ngoài đời thực. Lykan là sản phẩm siêu xe đầu tiên của công ty W Motors đến từ Trung Đông. Đây cũng là một trong những chiếc xe đắt nhất từng được bán ra trên thế giới.


Lykan HyperSport

Trong thập kỷ vừa qua, cuộc đua cho ra mắt những chiếc xe có giá 7 chữ số tính bằng USD ngày càng trở nên gay cấn giữa các nhà sản xuất xe hơi hạng sang.

Lý do đầu tiên khiến các nhà sản xuất làm ra những chiếc xe triệu đô vì có người sẵn sàng mua chúng. Những năm vừa qua, người ta chứng kiến trào lưu vung hàng đống tiền mua xe sang của các ông hoàng hay nhà tài phiệt khắp thế giới. Không ít người sắm toàn bộ dàn xe Aston Martin hay Lamborghini. Theo Bloomberg, riêng trong tháng 1 đầu năm nay, thế giới có thêm hơn 30 tỷ phú mới. Con số này từ năm 2012 là hơn 300. Những người có tài sản tỷ đô, dù ở bất cứ đâu, từ Los Angeles, đến Doha, hay Moscow, São Paulo, Thượng Hải đều sẵn sàng bỏ triệu đô mua xe. Với họ, đó không phải là vấn đề lớn.


Thị trường xe sang trở thành món hời hấp dẫn với các nhà sản xuất, dù họ sẽ phải đổ không ít công sức để chiều ý khách hàng. Tỷ lệ thu lời trên một chiếc Ferrari hay Lamborghini cơ bản ở mức khoảng 15%. Khi giá được nâng thêm nhờ vào những tùy chọn dành riêng cho khách "sộp", lợi nhuận cũng tăng lên theo.

Quy tắc cơ bản là để đầu tư sản xuất một dây chuyền sản xuất xe hàng loạt vào khoảng một tỷ USD. Nhưng để phát triển dây chuyền sản xuất những chiếc xe không dành cho đại chúng, chi phí sẽ ít hơn nhiều, vì nhu cầu tài nguyên để sản xuất xe được thu hẹp lại. Bên cạnh đó, tiền lời thu được từ những chiếc xe trên một triệu USD chắc chắn sẽ cao hơn những chiếc xe phổ thông 30.000 USD. Đây là sự thật dù công ty chuyên sản xuất xe sang chỉ bán được khoảng 300 chiếc.

Dòng xe siêu sang được chia làm nhiều loại khác nhau. Một loại gồm những chiếc xe như Bugatti Veyron hay LM2 của hãng Lyons Motor Car, hoàn toàn độc nhất và được sản xuất với số lượng rất nhỏ. Một loại khác là phiên bản đặc biệt được nâng cấp dựa trên những phiên bản sẵn có như Lamborghini và Ferrari.

Hãy xem cách một chiếc Rolls-Royce có được mức giá triệu USD. Một phiên bản xe Phantom cơ bản có giá khởi điểm 400.000 USD. Sau đó, khách hàng tùy ý thêm các lựa chọn họ muốn như ốp gỗ, sơn màu đặc biệt. Những thứ này có thể đẩy giá xe lên thêm hàng trăm nghìn USD. Riêng tùy chọn bọc thép toàn bộ đã tiêu tốn nửa triệu đôla. Nếu khách muốn khảm đá quý hay ngọc trai, kính chống đạn, hệ thống âm thanh hiện đại, giá chiếc Phantom sẽ lên trên mốc một triệu USD.


Rolls-Royce Phantom Serenity

Một phiên bản xe sang duy nhất cũng có thể làm toàn bộ các sản phẩm khác của công ty xe tỏa sáng theo. "Ví dụ như thương hiệu Bugatti thuộc sở hữu của hãng Volkswagen. Chiếc xe duy nhất của Bugatti mà mọi người biết là Veyron. Họ biết rằng đó là chiếc xe mà ca sĩ Beyoncé đã mua cho chồng Jay Z", chuyên gia Kelsey Mays từ trang Cars.com nói. Trong trường hợp này, giá trị của chiếc xe nằm ở sự hợp tác giữa hai nhãn hiệu. Nhãn hiệu Bugatti tốt cho việc quảng bá Volkswagen. Do đó, Bugatti Veyron vẫn được sản xuất dù người ta ước tính rằng với mỗi chiếc được bán ra, hãng lỗ hàng triệu USD.


Bugatti Veyron

Một ví dụ khác, khi ai đó bỏ ra 200.000 USD để mua một chiếc xe Ferrari California T, họ có cảm giác bước vào thế giới thượng lưu nhờ vào dư vị của phiên bản siêu sang Ferrari FXX giá 2,1 triệu USD. Trong khi chỉ có 30 chiếc Ferrari FXX từng được sản xuất, mỗi năm có hàng nghìn chiếc California xuất xưởng.

Cuối cùng, các nhà sản xuất không muốn thuyết phục số đông mua xe của họ. Khi các công ty chuyên sản xuất xe siêu sang, siêu độc như Koenigsegg, Zenvo hay Lykan tạo ra một số lượng hạn chế, khách hàng họ nhắm đến chỉ gói gọn trong giới siêu giàu. Với những người này, tính độc quyền là một trong những ưu tiên quan trọng nhất. Có nhiều chiếc xe không lăn bánh ở đâu khác ngoài đường đua, nhưng nó vẫn có khách vì ngoài chủ nhân ra cũng không có ai trên thế giới được lái nó.

Cách làm này cũng giống như chơi bạc, đầy rủi ro và không phải bao giờ cũng mang lại giải độc đắc. Hãng Zenvo của Đức dự định chỉ sản xuất 15 chiếc xe ST1 giá 952.000 USD. Họ đặt cược chiếc xe căn cứ vào tốc độ tối đa 370 km/h và công suất 1.104 mã lực. Tuy nhiên cho đến triển lãm ô tô Geneva hồi năm nay, họ mới bán được hai chiếc và nhận đơn đặt hàng thêm 5 chiếc.

Có một điều quan trọng đó là với xe siêu sang hiện nay, không phải có tiền là khách hàng sẽ có tất cả mọi thứ họ muốn. Họ có thể chọn xe có tốc độ cực nhanh hoặc cực khỏe hoặc cực kỳ thoải mái, nhưng không thể chọn ba thứ trên cùng lúc.

Ví dụ, chiếc xe Lykan nói trên nhanh nhưng chỉ sở hữu 6 xi-lanh như mọi chiếc sedan phổ thông nào trên đường phố hiện nay. Trong khi đó hầu hết những chiếc xe triệu đô khác có 10, 12 hay 16 xi-lanh. Hoặc chiếc Mercedes-Maybach Pullman nổi tiếng về độ êm ái, thoái mái nhưng mất hơn 5 giây mới đạt 100 km/h. Do đó, không ai mua xe này để phô trương về tốc độ. Một ví dụ khác là chiếc Pagani Zonda giá 2 triệu USD bị phàn nàn là chi phí bảo dưỡng quá cao và hay gặp hỏng hóc.

"Những chiếc xe siêu sang không thực tế lắm", chuyên gia Mays đến từ Cars.com nói. Mua được xe sang chưa đủ, bạn cần có cả một garage lớn để chứa xe. Với những chiếc xe như Pagani, bạn cần có một đường đua hẳn hoi để xe thể hiện hết khả năng. Tất nhiên, khi ai đó đủ giàu để mua Pagani, họ cũng đủ giàu để xây một đường đua cho nó.


Theo VnExpress
Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe