Loay hoay xây cơ chế cho công nghiệp ô tô

Theo đề xuất mới đây của Bộ Công thương, doanh nghiệp đầu tư các dòng xe ưu tiên trên 50.000 xe/năm hoặc vào các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động sẽ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Loay hoay xây cơ chế cho công nghiệp ô tô

Tại Tờ trình Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế được Bộ Tài chính đưa ra giữa tháng 8/2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung vào diện ưu đãi thuế TNDN (áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo) đối với các dự án sản xuất các dòng xe ưu tiên nếu đáp ứng các tiêu chí: vốn, sử dụng lao động, tốc độ giải ngân vốn đầu tư… đang quy định tại điểm e, khoản 5, Điều 1, Luật số 71/2014/QH13 và điểm d, khoản 7, Điều 1, Luật số 32/2013/QH13 hoặc dự án đầu tư mới để sản xuất các cụm chi tiết quan trọng, gồm sản xuất động cơ, cầu truyền động, hộp số.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất ưu đãi thuế TNDN cho doanh nghiệp sản xuất ô tô, nhưng không đề xuất mức cụ thể, mà để ngỏ "do Thủ tướng quyết định cụ thể". Điều này cho thấy, dường như Bộ Công thương kỳ vọng nhà đầu tư có thể được hưởng mức ưu đãi cao hơn quy định hiện hành.

Trên thực tế, cũng đã có những dự án đầu tư vào ngành công nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN 10% trong vòng 70 năm (suốt đời dự án), trong đó được miễn thuế TNDN trong 4 năm đầu kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đáng nói là, trong đề xuất của mình, Bộ Công thương cũng không đề cập thêm về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô. Trước đó, Bộ Tài chính, cũng trong tờ trình sửa đổi một số điều tại các luật thuế, đã đưa ra nhiều thay đổi cụ thể về mức thuế suất thuế TTĐB cho ô tô. Theo đó, ô tô có động cơ dưới 1.500 cc sẽ được giảm mạnh thuế suất, còn các ô tô có động cơ trên 3.000 cc sẽ chịu tăng thuế suất lên so với hiện hành.

Liên quan đến các chính sách, cơ chế cho ngành ô tô đang được xây dựng, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBA), trong một văn bản mới gửi Bộ Tài chính, cũng lưu ý nhiều vấn đề. "Rất mong cơ quan hữu trách của Việt Nam cân nhắc biện pháp đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản xuất nội địa, kể cả sau khi dỡ bỏ hàng rào quan thuế bằng cách hỗ trợ đầu tư trang thiết bị để gia tăng sản xuất và trợ cấp vốn cho sản xuất," ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch JBA đề xuất.

Việc xóa bỏ thuế quan với linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam không sản xuất được, bao gồm cả hàng hóa từ ngoài khu vực ASEAN, đặc biệt là xuất xứ từ Nhật Bản, cũng rất được lưu ý. Ngoài ra, JBA cũng đề xuất không thay đổi thuế suất với ô tô chở người có động cơ từ 2.000 cc trở lên.

Bình luận về các động thái gần đây trong việc xây dựng chính sách với ngành ô tô, một chuyên gia cho hay, các nước trong khu vực đang có sự dư thừa khá lớn công suất trong ngành ô tô. Bởi vậy, các chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, ngoài tuân theo các lộ trình mở cửa đã đàm phán, cũng cần có những rào cản để ngăn sự đổ bộ nhanh và nhiều của ô tô từ các nước khác.

Đơn cử, ở một nước cũng thuộc ASEAN, để được hưởng ưu đãi thuế TTĐB thấp, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ô tô phải trình ưu đãi do cơ quan có thẩm quyền cấp sau khi đã đáp ứng các tiêu chí về quy mô đầu tư, lộ trình chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ cho dòng xe liên quan. Dĩ nhiên, ưu đãi này chỉ được cấp cho các doanh nghiệp có đầu tư sản xuất tại nước đó, nên xe nhập khẩu nguyên chiếc cùng loại không có cơ hội hưởng ưu đãi thuế này.

"Như vậy mới hy vọng tác động và làm gia tăng sản xuất trong nước, thay vì mất trắng thị trường nội địa cho hàng nhập khẩu khi chỉ giảm thuế thông thường, mà không có hàng rào kỹ thuật đi kèm," chuyên gia này nhận xét.

Theo Báo Đầu Tư
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước