Những "giai thoại" ít biết về xe cơ bắp Mỹ

Những chiếc xe với dáng vẻ "cơ bắp", mang trong mình khối động cơ V8 mạnh mẽ, cùng mùi cháy khét của lốp xe mỗi khi tăng tốc là những gì mà người ta thường "miêu tả" khi nhắc đến muscle car - xe "cơ bắp" Mỹ.

Những năm 60-70 của thế kỉ trước, khi xăng dầu còn rất rẻ và không có bất cứ một quy định nào về khí thải, xe "cơ bắp" Mỹ rất thịnh hành. Không quá khó để bắt gặp một chiếc coupe với dáng vẻ thô, đơn giản nhưng được trang bị động cơ V8 với công suất "nhẹ" thì cũng lên đến hơn 300 mã lực trên đường phố. Một số cái tên đình đám lúc bấy giờ có thể kể đến như Ponitac GT, Chevy Camaro, Ford Mustang hay Dodge Challenger.

Phía sau những con số khủng khiếp về sức mạnh ấy thì xe "cơ bắp" Mỹ cũng mang rất nhiều "giai thoại" thú vị nhưng không phải ai cũng biết.

Ford Mustang Shelby GT500 1968

Ford Mustang Shelby GT500 1968

"Chú ngựa hoang" đầu tiên của nước Mỹ được "khai sinh" vào năm 1964 với tên gọi khá đặc biệt - 1964 ½ Mustang. Xe sở hữu kiểu dáng khá đơn giản, thô sơ và phụ tùng được cung cấp bởi 3 hãng BMW, Toyota và Volkswagen. Tháng 9/1964, Ford giới thiệu phiên bản Mustang fastback đầu tiên với động cơ 6 xi-lanh cùng nhiều tùy chọn cho khách hàng như số tự động, máy lạnh... Một năm sau, cha đẻ Carroll Shelby trình làng chiếc fastback GT350. Với kiểu dáng cực kỳ thể thao và bắt mắt, GT350 ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của giới mộ điệu.

Tuy nhiên ít ai biết rằng, Mustang Shelby 1967 đã phải "mượn”"thiết kế đèn hậu từ chiếc Mercury Cougar và đến model 1968 mới sử dụng lại đèn hậu của Ford Thunderbird 1966.

Chevy Corvette 1984

Chevy Corvette 1984
 
Bên cạnh Mustang thì Corvette cũng là một cái tên khá "có tiếng" thời bấy giờ. Giai đoạn huy hoàng nhất của mẫu xe này kéo dài từ năm 1968-1982 với thế hệ thứ 3. Chính vì thế mà khi GM quyết định giới thiệu phiên bản C4, rất nhiều dự đoán đã được đưa ra như: C4 sẽ sử dụng khung gầm với động cơ đặt sau, động cơ pit-tông quay của Mazda sẽ được lắp vào C4...

Tuy nhiên đến khi trình làng, Corvette C4 vẫn sử dụng động cơ Chevy V8, vỏn vẹn 205 ngựa. Phải sau rất nhiều nỗ lực cải thiện lại hệ thống phun nhiên liệu thì Chevy mới "ra lò" được cỗ máy sở hữu sức mạnh 375 mã lực với tên gọi ZR-1.

Một cột mốc khá "lạ" trong lịch sử của Chevy là vào năm 1983, tuyệt nhiên đã không có một chiếc Corvette phiên bản thương mại nào có mặt trên thị trường. Thế hệ thứ thứ 3 của Corvette đã kết thúc vào năm 1982 nhưng tại sao phải chờ đến 1984, Chevy mới giới thiệu mẫu xe hoàn toàn mới? Do quy định nghiêm ngặt về khí thải đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu hơn? Do chất lượng nhà máy không đủ đáp ứng? là những nhận định được đưa ra. Hiện tại chỉ có duy nhất 1 phiên bản thử nghiệm của chiếc Corvette 1983 được trưng bày tại bảo tàng Corvete ở Bowling Green.


Dodge Charger Daytona 1969

Dodge Charger Daytona 1969

Dodge Daytona 1969 cùng với Plymoutth Superbird 1970 là cặp đôi "cơ bắp" được săn đón nhiều nhất trong những năm 60-70. Khác với "bạn bè" đồng lứa, Daytona 1969 sinh ra không phải để chinh phục những cuộc street race, mà để giành chiến thắng tại sân chơi lớn hơn - đường đua Nascar.

Và để hoàn thành sứ mệnh đó, các kỹ sư đã "chăm chút" Daytona 1969 từ trong ra ngoài gồm: 1 bộ sạc được lắp vào bên trong hệ thống quạt gió, cánh gió lớn trang bị ở phía sau, cùng mui xe dài với thiết kế hạ trong tâm. Kết quả là Daytona 1969 trở thành chiếc xe đầu tiên trong lịch sử đường đua Nascar cán mốc 200 dặm/h. Tuy nhiên sau chiến thắng này, những cỗ máy với động cơ 440, 423 Hemi huyền thoại đã biến mất và chỉ xuất hiện trong những cuộc đấu giá thời gian sau đó.

Ít ai biết rằng, hệ số cản gió trên Dodge Charger Daytona 1969 đã đạt mức 0,28 Cd - con số quá ấn tượng so với ngay cả thời điểm bây giờ, chứ chưa nói đến gần 40 năm trước. Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra xung quanh con số này, nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời nào thỏa đáng. Ngoài ra thì cánh gió cỡ lớn phía sau không phải là để tạo ra lực nén xuống mặt đường như nhiều người lầm tưởng, nhiệm vụ của nó là giúp việc mở nắp capô trở nên dễ dàng hơn.


Oldsmobile 442 1970

Oldsmobile 442 1970
 
Oldsmobile 442 (4 xi-lanh, hộp số 4 cấp và 2 ống xả) là chiếc muscle car được săn đón nhiều nhất của hãng Oldsmobile. Nó "chia sẻ" nền tảng với hai mẫu xe khác của GM là Chevelle SS và Pontiac GTO. Cũng vì thế mà khi ra đời, Oldsmobile 442 chỉ đạt sức mạnh vỏn vẹn 200 mã lực tương tự Pontiac GTO. Đến năm 1970, chiếc xe mới được "nâng cấp" lên khối động cơ V8 cho công suất 360 mã lực, đạt vận tốc 96 km/h trong chưa đầy 6 giây.

Bên cạnh đó, nhắc đến Oldsmobile không thể không nhắc đến James Garner - nam tài tử trong bộ phim The rockford files kinh điển. Năm 1970, James đã "cầm cương" Oldsmobile 442 cán đích ở vị trí thứ hai tại đường đua Norra Mexico (tiền thân của Baja 1000 bây giờ).


Pontiac Firebird Trans Am 1978

Pontiac Firebird Trans Am 1978
 
Cuối những năm 70, khi việc kiểm soát khí thải ngày càng nghiêm ngặt và giá xăng lên cao, muscle car bắt đầu bước vào thời kì "đen tối". Các nhà sản xuất buộc phải "cắt giảm" thứ đã làm nên những chiếc xe "cơ bắp" - sức mạnh động cơ.

Tuy nhiên, Ponitac lại đi ngược lại số đông bấy giờ. Firebird Trans Am 1978 đã được cải thiện sức mạnh động cơ từ 200 ngựa lên 220 ngựa, đồng thời nâng cấp hệ thống treo, mâm và lốp xe. Gói độ WS6 này đã giúp "nam chính" trong bộ phim Smokey & Bandit đạt tốc độ nhanh hơn Chevy Corvette trên cùng 1 đường đua.


Ford Mustang Boss 429 1969

Ford Mustang Boss 429 1969
 
Cuối những năm 60 và đầu 70 được xem là giai đoạn "hoàng kim" của đường đua Nascar. Các nhà sản xuất xe hơi Mỹ lúc bấy giờ bắt đầu tập trung hơn vào việc sản xuất những mẫu xe dành cho sân chơi "khét tiếng" này. Tiêu biểu trong số đó là Ford Mustang Boss 429 - niềm tự hòa của thương hiệu "ngựa hoang Mỹ".

Mustang Boss 429 là một trong những dòng xe cơ bắp hiếm nhất khi chỉ có 829 chiếc được sản xuất. Tất cả đều trang bị động cơ V8 uy lực. Trong đó đặc biệt nhất là phiên bản Boss 429 1969 với công suất 375 mã lực tại 5.200 vòng/phút, tăng tốc từ 0-96 km/h chỉ trong 7,1 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 189 km/h. Quá ấn tượng! Động cơ này được phát triển riêng để đáp ứng yêu cầu của Nascar rằng tối thiểu 500 chiếc phải được bán ra cho những ai biết sử dụng động cơ này.

Tuy nhiên, Ford đã sớm nhận ra rằng chiều rộng của Mustang Boss 429 không phù hợp với động cơ theo đúng yêu cầu và nhanh chóng thay đổi. Chính vì vậy, chiếc muscle car tuyệt đẹp này trở nên cực kỳ hiếm và là một trong những chiếc xe hơi cổ tốt nhất trên thế giới.

Ngoài ra, còn một điểm khá thú vị về Mustang Boss 429 là đã có tận 3 phiên bản khác nhau của động cơ 429 giai đoạn 69-70. Phiên bản đầu tiên và cũng "hardcore" nhất là S-Code. Tuy nhiên vì sự cố về bảo hành nên nhanh chóng bị thay thế, T-Code ra đời. Những chiếc Boss cuối cùng được trang bị động cơ A-Code, bổ sung đèn sương mù và giảm xóc mới. 


Chevy Chevelle LS6 1970

Chevy Chevelle LS6 1970

Chevelle SS là một trong những dòng xe có lịch sử "vẻ vang" nhất của thương hiệu Chevy, đặc biệt là thế hệ SS 427 LS6. Đây cũng là một trong các đời xe hiếm nhất và đắt nhất với vỏn vẹn 20 chiếc được "ra lò".

Nhờ tỉ số nén cao 11.25:1 cùng khoang chứa khổng lồ Holly 780 CFM, SS 427 LS6 có thể đạt công suất xấp xỉ 500 mã lực. Sức mạnh khủng khiếp này đã được "minh chứng" trong một lần chạy thử vào năm 1970, xe tăng tốc từ 0-100 km/h trong vỏn vẹn 5,4 giây. "Niềm tự hào" của Chevy xứng đáng là chiếc xe mạnh nhất trong lịch sử xe "cơ bắp" Mỹ, đến mức mà GM đã không cho phép bất cứ chiếc Chevy nào đạt mã lực cao hơn, thậm chí là "tiêu hủy" chiếc LS7 "suýt" ra đời với 465 mã lực.

Một chiếc Chevelle SS 427 LS6 từng được bán đấu giá thành công vào năm 2013 với mức giá 1,15 triệu USD (tương đương 25,5 tỷ VND).


Pontiac GTO Judge 1969

Pontiac GTO Judge 1969
 
Pontiac có thể coi là một trong những thương hiệu "tiên phong" trong dòng xe cơ bắp Mỹ đầu thập nhiên 60. "Tân binh" Pontiac GTO 1964 ngay khi xuất hiện trên thị trường đã lập tức thu hút được nhiều sự quan tâm. Đến năm 1968, khi ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ thì nội bộ hãng đã đề xuất ý tưởng sản xuất phiên bản rẻ hơn của GTO với động cơ nhỏ hơn, tuy nhiên người điều hành bấy giờ là ông John Delorean đã không đồng thuận. Thay vào đó, DeLorean đã nâng cấp GTO lên một phiên bản mạnh hơn là GTO Judge với 360 mã lực, động cơ Ram Air III. Tuy nhiên khách hàng cũng có thể tùy chọn động cơ Ram Aird IV với 370 mã lực. Đặc biệt chỉ có 5 chiếc GTO Jude RAM IV Convertible được sản xuất năm 1969.

Chương trình quảng cáo cho GTO Judge được diễn bởi ban nhạc rock Paul Revere & Raiders là video rock quảng cáo đầu tiên trên thế giới.


COPO Camaro 1969

COPO Camaro 1969
 
Central Office Production Order (COPO) là một hệ thống bán hàng của hãng xe Mỹ Chevrolet, chuyên bán phuộc nhún cho xe cảnh sát và lót mui cho taxi. Tuy nhiên, sau một thời gian thì các đại lý Yenko Chevrolet ở Pennsylvania đã dùng tên gọi này để đặt tên cho dòng Camaro mới.

Thời đó, một chiếc Camaro COPO 9561 được trang bị động cơ V8 cho công suất 425 mã lực. Trong khi phiên bản hàng hiếm COPO 9560 mạnh hơn 5 mã lực lại sở hữu động cơ ZL-1 làm hoàn toàn bằng nhôm. Với việc chỉ có 69 chiếc được sản xuất, COPO 9560 rất được săn đón trong các phiên đấu giá với mức thấp nhất là 400.000 USD.

Nói thêm về động cơ ZL-1 V8 làm hoàn toàn bằng nhôm. Đây là một trong những động cơ hiếm và khó nhận biết nhất của Chevy. Không có bất kì một dấu hiệu nào để nhận biết nó ngoài trừ logo Camaro màu vanilla trên bề mặt. Động cơ này ban đầu vốn được phát triển cho đội đua Chaparral để sử dụng cho dòng xe Can-Am.


Buick GNX 1987

Buick GNX 1987
 
Là kẻ "sinh sau đến muộn" trong dòng muscle car, tuy nhiên Buick lại chính là hãng xe "hồi sinh" những động cơ thời kì 60-70 vào cuối những năm thập niên 80. Buick GNX được lắp đặt động cơ V6S tăng áp công suất 276 mã lực, tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ mất 4,6 giây và trở thành chiếc xe nhanh nhất trên thị trường lúc bấy giờ.

Tuy nhiên sau khi "khai tử" dòng GNX, Buick còn lại rất ít những động cơ như trên. Chính vì thế mà Pontiac đã đưa động cơ V6S vào mẫu xe kỉ niệm 20 năm thành lập - Trans Am 1989.

 
Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe