Chỉ còn vài tháng nữa là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực với thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN về 0%. Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất xe hơi mở rộng quy mô nhà máy không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này ngành công nghiệp ô tô Việt dường như vẫn chưa sẵn sàng.
Nếu không kể đến hạn chế phải cạnh tranh nhiều hơn với xe nhập khẩu, ATIGA được xem là cơ hội dành cho các nhà sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam bởi tiềm năng xuất khẩu là rất lớn, nhất là với những thương hiệu chưa có nhiều nhà máy sản xuất tại các nước khác trong khu vực. Đáng tiếc lợi thế duy nhất này gần như lại trở thành khó khăn bởi quy định chỉ áp dụng cho xe có tỉ lệ nội địa hóa trên 40% trong khi chưa có nhà sản xuất nào tại Việt Nam đạt con số này.
Nếu không kể đến hạn chế phải cạnh tranh nhiều hơn với xe nhập khẩu, ATIGA được xem là cơ hội dành cho các nhà sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam bởi tiềm năng xuất khẩu là rất lớn, nhất là với những thương hiệu chưa có nhiều nhà máy sản xuất tại các nước khác trong khu vực. Đáng tiếc lợi thế duy nhất này gần như lại trở thành khó khăn bởi quy định chỉ áp dụng cho xe có tỉ lệ nội địa hóa trên 40% trong khi chưa có nhà sản xuất nào tại Việt Nam đạt con số này.
Cụ thể, Việt Nam hiện chỉ có 173 doanh nghiệp liên quan tới công nghiệp ô tô nhưng đa phần chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ và ở mức cơ bản chưa đủ tiêu chí của một nền công nghiệp thực sự. Các chi tiết được nội địa hóa ít và khá thô sơ như đồ nhựa, dây điện, săm, lốp, gương, kính. Việc sản xuất chủ yếu là lắp ráp, hàn hay sơn. Chính vì vậy chiếc xe du lịch có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất là Toyota Innova cũng mới chỉ dừng lại ở mức 37%, con số được cho là khá thấp so với một mẫu xe ít trang bị hiện đại và thâm niên sản xuất lâu năm như Toyota.
Đây được xem là thất bại của ngành công nghiệp ô tô Việt bởi trước đó mục tiêu nội địa hóa của ngành này là 40% vào năm 2005 và đạt 60% năm 2010. Cho tới nay tỉ lệ nội địa hóa mới chỉ đạt từ 7-10% nếu tính trung bình. Trong khi đó các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia tỉ lệ nội địa hóa trung bình lên tới 60-70%, thậm chí thủ phủ của công nghiệp ô tô ASEAN là Thái Lan đã đạt ngưỡng 80%. Dù biết trước nhưng khi cửa mở hoàn toàn vào năm 2018, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn không kịp trở tay.
Tất nhiên, khó khăn của công nghiệp ô tô Việt chính là lợi thế cho các nước còn lại trong khu vực ASEAN có điều kiện xuất khẩu xe vào Việt Nam nhiều hơn. Không nói đâu xa, nếu như trước đây xe từ khu vực ASEAN chủ yếu là bán tải bởi có nhiều ưu đãi trong chính sách thì nay số lượng xe du lịch tăng đột biến, chủ yếu là xe giá rẻ. Ví như Indonesia từ chỗ chỉ có 1 chiếc về Việt Nam vào tháng 1/2016 thì tới cùng kỳ năm 2017 tăng đột biến tới 1.823 chiếc sau khi thuế nhập khẩu mới giảm 10% từ 40% xuống còn 30%.
Thực tế những bộ óc có “sạn” điều hành các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã lường trước cơn bão 2018 nhưng dường như lực bất tòng tâm. Nhiều ông lớn thậm chí từng “dọa” bỏ sản xuất tại Việt Nam nếu không được ưu đãi để đối phó với xe nhập khẩu. Cho đến thời điểm này đã có nhiều nhà sản xuất tiến hành đối phó bằng cách chuyển sang nhập khẩu một số dòng xe mới, vẫn duy trì sản xuất nhưng số lượng sản phẩm ít hơn, kế hoạch mở rộng gần như đóng băng.
Có thể nói ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chắc chắn sẽ đứng ngoài cuộc chơi xuất khẩu ít nhất là vào thời điểm 2018. Trong thời gian tới, một số đơn vị vẫn tiếp tục kiên trì với sản xuất, lắp ráp trong nước và hướng đến xuất khẩu nhưng đường đi vẫn còn dài.
Theo Thanh Niên