Hải quan xin gỡ khó cho DN vụ nhập 400 xe BMW

Cục Hải quan TP.HCM vừa nêu ra một số vướng mắc gửi Tổng cục Hải quan sau khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô được Thủ tướng ký ban hành và có hiệu lực.

Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, Cục hiểu các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cũng hết hiệu lực kể từ ngày 17/10/2017, vấn đề đặt ra, trong thời gian chờ Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn thì Cục Hải quan TP.HCM phải thực hiện như thế nào đối với điểm a, khoản 2 Điều 31 Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết, có thực hiện kiểm tra giấy chứng nhận VIN và C/O theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đối với các lô hàng thực hiện quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 31 Nghị định 116/2017/NĐ-CP khi doanh nghiệp xuất trình giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô do Bộ Công Thương cấp trước ngày 31/12/2017.

"Liên quan đến công văn của Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạm dừng thông xe các lô hàng nhập khẩu xe BMW (trừ đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao), nhưng theo thông tin Cục Hải quan TP.HCM được biết, sắp tới đây Thaco sẽ làm nhà phân phối thương hiệu BMW tại Việt Nam, dự kiến công ty sẽ nhập khoảng 400 xe ô tô nhãn hiệu BMW vào đầu năm 2018, cuối năm 2017 tàu sẽ nhập cảng," Cục Hải quan TP.HCM cho biết.


Hải quan xin gỡ khó cho DN vụ nhập 400 xe BMW

Vướng mắc được Cục Hải quan TP.HCM nêu ra là việc nhập khẩu xe ô tô BMW của Thaco có bị điều chỉnh bởi công văn nêu trên của Tổng cục Hải quan hay không.

Cũng theo Cục Hải quan TP.HCM đối với xe ô tô đã sử dụng, doanh nghiệp khó có thể xuất trình được cho cơ quan hải quan 2 loại chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính. Do đó, Hải quan TP.HCM đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, có ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trước đó, BMW đã cùng Thaco ký thư ngỏ ý về việc BMW chọn Thaco trở thành nhà đầu tư và nhập khẩu các dòng xe BMW và MINI tại thị trường Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2018.

BMW hiện là nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới, với các thương hiệu nổi tiếng như BMW, MINI và Rolls-Royce. Tập đoàn này đang vận hành 30 cơ sở sản xuất và lắp ráp tại 14 nước và có hệ thống phân phối tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, Thaco là doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, với 3 thương hiệu ô tô được Thaco lắp ráp nổi tiếng nhất là Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp). Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2017, Thaco đạt doanh thu 25.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.420 tỷ đồng.

Theo VnEconomy
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước