Rolls-Royce Wraith Black Badge bất ngờ về Việt Nam

Hôm 2/2, chiếc Rolls-Royce Wraith Black Badge đầu tiên bất ngờ cập bến Việt Nam và nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Hiện vẫn chưa rõ xe được đưa về theo dạng nhập khẩu chính hãng hay tư nhân.

Phiên bản đặc biệt Black Badge của dòng xe Rolls-Royce Wraith được giới thiệu lần đầu tại Geneva Motor Show 2016, hướng đến phân khúc khách hàng trẻ, thành đạt với phong cách mạnh mẽ, luôn muốn vượt ra khỏi rào cản cuộc sống.

Rolls-Royce Wraith Black Badge

Ở phiên bản Black Badge, biểu tượng Spirit of Ecstasy và logo Rolls-Royce đã có những thay đổi đáng kể. Sự biến chuyển bắt đầu từ hình tượng Flying Lady, tuy không thay đổi mấy về thiết kế, phong thái lẫn vật liệu nhưng màu đen bóng chủ đạo lần này của biểu tượng thể hiện được rõ những khát khao của chủ nhân. Song song với biểu tượng, logo Rolls-Royce trên phần mũi, sườn và đuôi xe có màu bạc trên nền đen. Phần rìa lưới tản nhiệt trước, nắp cốp xe, ống tản nhiệt vốn có màu kim loại crôm đã được chuyển thành màu đen.

Rolls-Royce Wraith Black Badge

Sức mạnh của phiên bản Black Badge được truyền xuống mặt đường thông qua hệ thống 4 bánh xe có thiết kế mới với sợi carbon và nhôm siêu nhẹ. Trong suốt 4 năm, Rolls-Royce đã đầu tư nghiên cứu để phát triển độc quyền mẫu mâm xe - được cấu thành từ sợi carbon dày 22 lớp, phần vành được nhân đôi độ dày lên đến 44 lớp để tăng độ chịu lực cho xe.

Màu đen của phiên bản Black Badge có sắc độ mạnh hơn hẳn so với bất kỳ màu đen nào. Lớp sơn tạo nên bề mặt Black Badge được phủ hoàn toàn do bàn tay con người - phương pháp chính xác nhất để kiến tạo nên lớp sơn hoàn mỹ nhất. Kết quả là lớp sơn đen của phiên bản này có chiều sâu, đậm và sắc nét nhất chưa từng thấy trên bất kỳ bề mặt của một chiếc xe hơi nào.

Rolls-Royce Wraith Black Badge

Trong khi đó, chất liệu chính làm nên khoang nội thất của phiên bản Black Badge là nhôm siêu nhẹ pha với sợi carbon tổng hợp - vốn chỉ được thấy trên bề mặt các phi cơ chiến đấu. Xưởng chế tạo Goodwood đã thành công khi chuyển hoá loại vật liệu tương lai này thành chất liệu cao quý và tân tiến nhất cho phiên bản Black Badge.

Để làm được điều này, các nhà chế tác đã kết hợp lớp nhôm siêu nhẹ (độ dày 0.014 mm) được làm nóng tối đa để ép cùng sợi carbon. Sau đó, bề mặt vật liệu sẽ được phủ 6 lớp sơn bóng, hấp thụ làm nguội trong 72 giờ liên tục. Quy trình được kết thúc bằng công đoạn đánh bóng bằng tay để cho ra hiệu ứng sáng như gương.


Rolls-Royce Wraith Black Badge

Dưới nắp capô, Rolls-Royce vẫn sử dụng động cơ 6.6L W12 tăng áp kép, cho công suất 624 mã lực và mô-men xoắn cực đại 642 Nm - tăng 95 Nm. Đi kèm hộp số tự động ZF 8 cấp, xe có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong vòng 4,4 giây.

Chia sẻ bài đăng
Trong Nước