Bộ Tài chính hứa xem xét đề xuất miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Trước đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu, xem xét, báo cáo Chính phủ việc miễn thuế TTĐB, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện tại Việt Nam.

Bộ Tài chính hứa xem xét đề xuất miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) về đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước.

Theo đó, trước đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng áp dụng đối với sản phẩm ô tô của VAMI, Bộ Tài chính cho biết sẽ ghi nhận để phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Theo đơn vị này, hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng nếu sửa đổi quy định miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô có thể vi phạm cam kết của WTO, nên Bộ sẽ tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật về thuế và dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập cá nhân…

Đối với kiến nghị miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam của VAMI, Bộ Tài chính cho biết, theo danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư thì ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; ngành nghề sản xuất ôtô, phụ tùng ô tô thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN, thuế suất các mặt hàng linh kiện ô tô đã giảm về 0%. Trong giai đoạn 2018-2025, các mặt hàng linh kiện ô tô tiếp tục cắt giảm theo các Hiệp định thương mại đã ký kết (ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc…) dẫn đến thuế suất ưu đãi MFN của nguyên liệu, vật tư cao sẽ hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt của linh kiện ô tô thành phẩm.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, thẩm quyền quy định mức thuế suất nhập khẩu thuộc Chính phủ nên đơn vị này đề nghị VAMI cung cấp chi tiết danh mục các nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sản xuất linh kiện ô tô để Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu phương án xử lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.

"Về kiến nghị cho kéo dài thời gian bảo lãnh thanh toán thuế, theo quy định, thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Do vậy, kiến nghị của VAMI thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội. Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu khi xem xét sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu nếu phù hợp", Bộ Tài chính cho biết.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tuần qua (từ 13/4 đến 19/4) Việt Nam đã nhập khẩu 78,5 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô các loại, có nguồn gốc chủ yếu từ Nhật Bản với 20,9 triệu USD; từ Hàn Quốc với 15,7 triệu USD; từ Trung Quốc với 14,6 triệu USD; từ Thái Lan với 11,2 triệu USD, từ Đức với 6,5 triệu USD.

Tính chung, nhập khẩu từ 5 thị trường này trong tuần qua chiếm tỷ trọng tới 88% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô của cả nước.

Theo VnEconomy
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước