Nhiều ô tô nhập khẩu vẫn bị "chặn cửa" về Việt Nam

Toyota, Ford đã hoàn thành thủ tục để thông quan nhưng chưa có xe từ nhà máy, trong khi đó Mitsubishi và các hãng Châu Âu vẫn vướng mắc.

Nikkei Asia hôm 1/5 đưa tin Mitsubishi dự kiến sẽ tiếp tục xuất khẩu xe sang Việt Nam vào đầu tháng 6, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của chính phủ đối với ô tô nhập khẩu, hiệu lực từ đầu năm nay. "Yêu cầu nghiêm ngặt" mà hãng xe Nhật nhắc tới chủ yếu liên quan đến Nghị định 116, hiệu lực từ 1/2018, yêu cầu các nhà nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phương tiện (VTA) và kiểm tra theo lô khi nhập khẩu xe.

Quy định mới khiến Mitsubishi và nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô khác không thể đưa xe nhập về nước trong nhiều tháng nay. Sau khi dừng nhập khẩu dòng xe Outlander từ Nhật Bản và chuyển sang sản xuất, Mitsubishi vẫn nhập một số mẫu khác từ Thái Lan như Pajero Sport và Mirage. VTA đối với những dòng xe này hiện đang chờ chính phủ Thái Lan cấp. Đại diện phía Mitsubishi Việt Nam cho biết vẫn chưa thể chắc chắn khoảng thời gian nào bởi phụ thuộc việc có vượt qua các quy định kiểm định hay không.

Nhiều ô tô nhập khẩu vẫn bị "chặn cửa" về Việt Nam

Hiện tại, mới chỉ Honda và GM đưa xe nhập khẩu về bán ra thị trường. Toyota cho biết giấy VTA từ Indonesia đã được Việt Nam chấp nhận, nhưng việc đặt hàng lại cần thời gian để sản xuất nên cũng chưa có xe về.

Trong khi đó, Ford Ranger vẫn chưa biết lúc nào mới có thể tới tay khách hàng trở lại. Đại diện hãng xe Mỹ cho biết, sau khi về 3 xe để thử nghiệm các thủ tục hồi tháng 4, hãng đã hoàn thành giấy VTA. Tuy vậy, từ nhà máy ở Thái Lan, xe Ranger đang ưu tiên cho thị trường Philippines, bởi vậy Việt Nam vẫn phải "xếp hàng" chờ tới lượt.

Ở phía các hãng nhập xe từ Châu Âu cũng không khá khẩm hơn, dù từ khi có Nghị định 116, các hãng xe từ lục địa già luôn tự tin về việc đáp ứng hết các điều kiện khắt khe để thông quan. Porsche, Mercedes-Benz, Audi hay BMW đều đang gặp khó vì quy định phải có số chứng nhận chất lượng kiểu loại trên tem thông tin sản phẩm dán ở khung xe. Đại diện một hãng cho biết, loại tem này chỉ áp dụng cho xe sử dụng trong thị trường Châu Âu nên không có trên xe về Việt Nam.

Hướng đi mà các hãng đang nghĩ tới là hãng mẹ phải có văn bản giải thích về việc không có số chứng nhận trên tem xe xuất khẩu sang Việt Nam. Tuy nhiên chưa hãng nào tự tin cách này có sớm giải quyết vấn đề này không. Xe đều đã về tại cảng nhưng chưa thể thông quan. Mới đây cơ quan quản lý cho phép một số hãng xe sang Châu Âu đưa xe về để trưng bày nhưng chưa thể bán vì chưa thông quan.

"Hãng mẹ than phiền về việc xuất khẩu xe đi toàn thế giới nhưng chưa gặp thị trường nào nhiều quy định khó như ở Việt Nam", đại diện một hãng xe sang Đức chia sẻ. Xe càng lâu thông quan, hãng càng khó khăn, đặc biệt về tài chính khi chi phí lưu kho, lãi ngân hàng cộng dồn từng ngày, trong khi tiền phải trả cho hãng mẹ từ khi mua xe.

Từ phía cơ quan quản lý, Bộ GTVT khẳng định, những quy định tại Nghị định 116 cũng như Thông tư chi tiết 03/2018 là phù hợp với thực tế thị trường, kiểm soát chất lượng ô tô nhập khẩu và tạo sự công bằng đối với xe lắp ráp trong nước. Nếu các hãng đáp ứng đủ yêu cầu sẽ được phép thông quan.

Trước khi có những quy định mới về nhập khẩu, lượng xe xuất khẩu vào Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhưng từ đầu 2018 con số sụt giảm thê thảm. Đến giữa tháng 4, tổng số xe về nước là 4.936 chiếc, trong khi cùng kỳ 2017 là 30.226 xe.

Xe nhập khẩu càng chậm về nước, xe lắp ráp càng có cơ hội chiếm thị trường. Các chuyên gia trong ngành nhận định, khó khăn cho xe nhập khẩu sẽ chưa dừng lại ngay cả khi mọi vấn đề của Nghị định 116 được giải quyết, trước mắt có thể một hàng rào kỹ thuật mới sẽ lập ra để siết chất lượng xe nhập.

Theo VnExpress
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước