Bùng nổ ô tô mới tại Việt Nam mùa cuối năm

Sau hai quý ảm đạm về sản phẩm mới trên thị trường ô tô, cuối quý 3, các hãng đồng loạt tung ra mẫu xe mới. Hai tháng 8 và 9, thị trường đón nhận 15 xe mới, phiên bản nâng cấp của các hãng. Lượng xe mới dồi dào như một cuộc chạy đua, con số này thậm chí tương đương với trung bình số xe giới thiệu những năm trước.

Xe lắp ráp chỉ chiếm 3 chiếc, trong khi đó, sau khi hoàn tất các giấy tờ nhập khẩu xe theo quy định, ô tô nhập khẩu xuất hiện nhiều, chiếm đến 12 xe. Sự trở lại của xe nhập khẩu giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn ở các phân khúc khác nhau.


Toyota Wigo

Hôm 25/9, Toyota Việt Nam ra mắt cùng lúc 3 xe, công bố giá của dòng hatchback cỡ nhỏ Wigo, rẻ nhất trong dải sản phẩm đang bán. Wigo tham gia phân khúc A, với nhiều cái tên đình đám khác như Hyundai Grand i10, Kia Morning, Chevrolet Spark. Trước đó, Suzuki cũng nhanh nhạy đưa về dòng Suzuki Celerio nhập từ Thái Lan.

Ở phân khúc này, Hyundai Grand i10 chiếm phần lớn thị phần với hơn 16.000 xe bán ra từ đầu năm. Kia Morning về thứ 2, doanh số hơn 7.000 chiếc trong cùng kỳ. Hai tân binh nhập khẩu gồm Suzuki Celerio và Toyota Wigo sẽ gặp không ít khó khăn trong cuộc đua tranh thị phần. Với mức giá ngang ngửa i10, Wigo được chờ đợi tạo nên cuộc đua tranh quyết liệt, trong khi Celerio không có dấu hiệu khả quan về doanh số.

Phân khúc MPV 7 chỗ cũng ấm lên với sự hiện diện của 3 tân binh, Mitsubishi Xpander, Toyota Rush và Toyota Avanza. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi Xpander được giới thiệu, Toyota đã tung ra sản phẩm cùng phân khúc là Rush. Cả 2 xe đều nhập khẩu nguyên chiếc. Bên cạnh đó, Toyota còn bổ sung vào tầm thấp hơn chiếc Avanza, phủ kín các mức giá với loại xe 7 chỗ.

Thậm chí, cả Mitsubishi Xpander (620 triệu) và Toyota Rush (668 triệu) còn cạnh tranh với những chiếc SUV đô thị 5 chỗ như Hyundai Kona (725 triệu) hay Ford EcoSport (689 triệu) trong tầm tiền khoảng 700 triệu.

Honda HR-V

Phân khúc SUV cỡ B lại có cuộc đua riêng. Trước đây, EcoSport đứng đầu bảng về doanh số khi không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Sự xuất hiện cùng lúc của Honda HR-V và Hyundai Kona sẽ khiến phân khúc này bớt nhàm chán, người dùng có thêm lựa chọn. HR-V là xe nhập khẩu duy nhất, với giá bán cao nhất 871 triệu, trong khi EcoSport và Kona giá cao nhất lần lượt 689 triệu và 725 triệu.

Phân khúc SUV cỡ D sôi động trở lại khi Toyota Fortuner thêm phiên bản mới, Ford Everest được nâng cấp và thêm lựa chọn. Ngoài ra, Isuzu cũng đã giới thiệu phiên bản mới của mẫu Mu-X để tăng sức cạnh tranh. Chevrolet Trailblazer và Mitsubishi Pajero Sport đã nhanh chân hơn khi về nước từ sớm. Toàn bộ 5 xe ở phân khúc D đều được nhập khẩu nguyên chiếc.

Ở mảng xe bán tải, Ford Ranger và Toyota Hilux phiên bản mới đều đã quay trở lại sau thời gian dài không nhập được xe về. Đây là phân khúc vốn dĩ thống trị bởi Ranger, với những nâng cấp ở phiên bản mới. Mẫu bán tải của Ford nhiều sẽ khả năng sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu dù Hilux cũng có nâng cấp hay Chevrolet Colorado nổi lên như một hiện tượng.

Một loạt xe mới, đặc biệt những mẫu nhập khẩu quay trở lại thị trường mang theo kỳ vọng cho quý cuối bùng nổ doanh số của các hãng xe. Toyota Việt Nam kỳ vọng 3 sản phẩm mới ra mắt (Avanza, Rush, Wigo) có thể đóng góp 1.300 xe/tháng vào doanh số chung, trong khi riêng Fortuner vừa bán trở lại vào tháng 8 đã có doanh số hơn 900 xe. Tính hết tháng 8, doanh số tổng của liên doanh ô tô Nhật Bản đang giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Honda kỳ vọng bán khoảng 200 chiếc HR-V/tháng. Hãng xe Nhật Bản sớm đưa được các mẫu xe nhập khẩu về phân phối, cùng sự tăng trưởng của mẫu xe lắp ráp City, nên doanh số hết tháng 8 năm nay đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự xuất hiện nhiều hơn của các dòng xe nhập khẩu là điều được tiên đoán trước, khi các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu trong Nghị định 116. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên chiếc khiến nguồn cung phải phụ thuộc vào nhà máy ở nước ngoài. Thị trường sôi động nhưng chưa chắc người dùng đã hưởng lợi khi mua các dòng xe có cầu vượt cung.

Theo VnExpress
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước