Cuộc chiến thị phần ô tô thời vắng xe nhập khẩu

Các doanh nghiệp thiên về lắp ráp như Thaco, Thành Công chiếm thị phần nhỉnh hơn các liên doanh khác phụ thuộc vào xe nhập khẩu.

Hết tháng 8 năm nay, toàn thị trường tiêu thụ tổng cộng hơn 200.000 xe các loại, tính cả doanh số của Hyundai Thành Công. Doanh số này bao gồm xe con, xe thương mại, xe chuyên dụng. Chỉ xét riêng các thành viên VAMA, doanh số toàn thị trường giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cả năm 2017, Hyundai Thành Công tiêu thụ khoảng 30.600 xe, trong khi từ đầu năm đến nay doanh số đã đạt gần 39.000 chiếc.


Cuộc chiến thị phần ô tô thời vắng xe nhập khẩu

So với cùng kỳ năm ngoái, Thaco vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thị phần, chiếm 31,8%. Doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam hiện kinh doanh các thương hiệu xe con gồm Kia, Mazda và Peugeot. Đóng góp lớn cho vị trí dẫn đầu của Thaco có phần của các dòng xe tải.

Từ đầu năm, Thaco bán tổng cộng 64.106 xe các loại, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Tính riêng các dòng xe con, doanh số đã tăng đến 30% so với cùng kỳ. Thaco không chịu tác động nhiều của Nghị định 116, bởi sản phẩm hầu hết lắp ráp trong nước. Khi những mẫu xe cạnh tranh không có hàng để bán, Thaco cũng sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thời điểm, doanh nghiệp này phải tạm dừng nhận đặt hàng của khách đối với dòng xe Mazda CX-5 vì không kịp lắp ráp.

Ngôi sao nổi lên trong năm nay như một hiện tượng Hyundai Thành Công tạo ra sự xáo trộn ở bảng xếp hạng xe bán chạy khi công bố doanh số. Grand i10 và Accent là những quân bài chủ lực giúp doanh nghiệp này tăng trưởng ấn tưởng. Cả năm 2017, Hyundai bán tổng cộng 30.600 xe, trong khi năm nay doanh số đã đạt gần 39.000 chiếc.

Hyundai Thành Công đứng thứ 2 về thị phần, với 19,35%, vượt qua Toyota. Hai dòng xe Grand i10 và Accent có doanh số trung bình tháng đạt lần lượt hơn 2.000 xe và 1.000 xe, trở thành những cái tên ăn khách nhất trên thị trường.

Điểm chung của 2 doanh nghiệp Việt Nam này là không phụ thuộc vào xe nhập khẩu, các mẫu xe chủ lực đều lắp ráp trong nước. Hãng có thể điều chỉnh năng lực lắp ráp theo nhu cầu thị trường và chỉ chịu ảnh hưởng về linh kiện.

Trong khi đó, bức tranh kinh doanh hơn nửa đầu năm nay có phần tối hơn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Toyota là một điển hình do ảnh hưởng từ việc không nhập được xe. Thị phần sụt giảm dù doanh số xe lắp ráp như Vios, Innova đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng xe ăn khách Fortuner chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu Indonesia, đón đầu chính sách thuế 0% từ các nước ASEAN. Tuy nhiên, vướng mắc về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phương tiện (VTA) khiến tính toán của Toyota có phần chệch hướng. Hơn nửa năm dòng SUV 7 chỗ không nhập được về, kéo theo thị phần của liên doanh ô tô Nhật Bản sụt giảm, bởi Fortuner có doanh số tốt trong dải sản phẩm của Toyota.

Ford cũng là một minh chứng cho việc chịu ảnh hưởng của chính sách áp dụng lên nhập khẩu ô tô. Dòng xe bán tải Ranger, bán tốt trong nhiều năm, bỗng rơi khỏi nhóm đầu do không có hàng để bán. Ford nhập khẩu mẫu xe này từ thị Thái Lan, cùng một số dòng xe khác. Nghị định 116 có hiệu lực khiến hơn nửa đầu năm 2018, Ford không có xe nhập khẩu để bán, lượng hàng còn lại chủ yếu do dự trữ được từ trước. Trong khi đó, các dòng xe lắp ráp tại Việt Nam không có doanh số tốt so với các đối thủ trong phân khúc.

Ford giảm thị phần từ 10,2% cuối năm ngoái, xuống 6,1% tính hết tháng 8 năm nay. Đồng thời, liên doanh xe Mỹ bị Honda vượt qua chiếm vị trí thứ 5 về thị phần. Sự thăng hoa của Honda phần nhiều đến từ tăng trưởng của dòng xe City. Từ 4,3% thị phần cuối năm ngoái, liên doanh ô tô Nhật Bản tăng lên mức 7,6% trong năm nay. City là xe lắp ráp duy nhất của Honda, trong khi các dòng xe nhập khẩu khác như CR-V, Civic, Jazz cũng gặp trở ngại trong việc nhập về Việt Nam.


Hết tháng 8, một số dòng xe nhập khẩu khan hiếm đã quay lại thị trường. Tuy nhiên, tình trạng cung vượt cầu hiện vẫn diễn ra với những dòng xe ăn khách. Đại lý được dịp ép khách mua thêm cả trăm triệu tiền phụ kiện nếu muốn nhận xe ngay. Nhiều người sẵn sàng chi tiền để có xe đi sau thời gian dài chờ đợi, như trường hợp của 900 khách hàng lắp hơn trăm triệu tiền phụ kiện để mua ngay chiếc Toyota Fortuner. Các dòng xe khác như Honda CR-V hay Ford Everest mới cũng rơi vào tình trạng “bia kèm lạc” tương tự.

Đại diện một hãng xe cho biết không thể can thiệp vào việc kinh doanh của các đại lý, mà chỉ cố gắng đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, bản thân các hãng nhập khẩu đang phải phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài, nên không có gì là chắc chắn. Theo thông kê của Tổng cục Hải Quan, lượng xe nhập khẩu đã tăng dần trong những tháng gần đây, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cuộc đua trên thị trường sẽ vẫn nghiêng phần ưu về các hãng lắp ráp từ giờ cho đến cuối năm.


Theo VnExpress
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước