Thăm quan: Trung tâm Công nghệ McLaren

Trung tâm Công nghệ McLaren

Bất kỳ fan hâm mộ nào của McLaren đều sẽ nói "thiên đường" của họ đang ở Woking, Anh - "quê hương" của Trung tâm Công nghệ McLaren. Từ siêu xe cổ điển đến hiện đại, từ siêu xe đường phố đến đường đua, đây chính là nơi "những đứa con thần gió" của McLaren được ươm mầm và phát triển.

Tất cả đều nằm dưới chung một mái nhà, và trong một chuyến công tác gần đây tới Vương quốc Anh, tôi đã may mắn có dịp được tham quan một vòng ở nơi thường chỉ dành cho những khách "ruột" của McLaren.


Trung tâm Công nghệ McLaren

Ở đây không chỉ những chiếc xe mới làm nên nghệ thuật mà ngay cả khu đất bên ngoài cũng là một cảnh tượng không kém phần ấn tượng tuyệt vời. Lối vào trung tâm chạy quanh một hồ nước nhân tạo lớn bao quanh bên ngoài, nắng xuyên mặt nước phản chiếu lấp lánh tòa nhà hình bán nguyệt với những bức tường kính cao. Không chỉ để trang trí, hồ nước còn có đường ống lưu thông qua một loạt các hệ thống trao đổi nhiệt để làm mát tòa nhà, luôn duy trì ở mức 21 độ C.

Trung tâm Công nghệ McLaren
 
Các khách hàng VIP của McLaren thường tới đây bằng máy bay cá nhân hoặc trực thăng, mọi thứ đều hoàn hảo để chiêm ngưỡng biểu tượng âm dương được tạo nên từ tòa nhà chính và khu hồ liền kề.

Trung tâm Công nghệ McLaren

Tiến vào bên trong, cứ mỗi bước chân là một bước đi qua lịch sử với khu trưng bày những chiếc xe mang tính biểu tượng làm nên thành công của McLaren. Chiếc xe đầu tiên bạn sẽ thấy là Austin 7 đời 1929 màu đỏ, được cố nhà sáng lập Bruce McLaren sử dụng và giành chiến thắng trong cuộc đua đầu tiên khi mới 15 tuổi. Ông đã nghiên cứu rồi nâng cấp chiếc xe, biến nó thành chiếc xe nhanh nhất có thể và cải tiến hệ thống treo trước để giảm chiều cao của xe, tạo ra ít lực cản hơn.

Trải khắp sảnh là một hàng dài những chiếc xe đua được sơn màu cam "Papaya" truyền thống của McLaren. Một trong số đó là chiếc "Thursday", bởi lẽ nó chỉ được sử dụng ở các buổi luyện tập hôm thứ 5 và còn được gọi là "Máy chém" vì các cạnh sắc nhọn của nó ở cánh gió trước.

Trung tâm Công nghệ McLaren

Lúc mới phát triển và chạy thử chiếc Thursday, Bruce McLaren thấy nắp nhiên liệu ở phía trước rung và reo lên khi ở tốc độ cao. Sau đó ông tạo ra hai lỗ ở phía trước để giúp luồng không khí được lưu thông. Nhiều năm sau, McLaren lấy cảm hứng khá nhiều từ điều này cho những chiếc xe của mình, trong đó có phần "lõm mũi" trên siêu xe P1.

Ngay bên cạnh và hoàn thành bộ sưu tập những chiếc xe màu cam đặc trưng của thương hiêu là chiếc M8D Can-Am với biệt danh là "Batmobile". Đó cũng là chiếc xe gắn với hồi ức buồn khi Bruce McLaren mất mạng trong lúc thử nghiệm nó tại Goodwood vào năm 1970.


Trung tâm Công nghệ McLaren

Nếu đi tiếp bạn sẽ thấy một chiếc xe đua McLaren F1 được treo trên tường, cùng một dãy xe F1 đã nổi tiếng từ những năm 90 nhờ hai tay đua Mika Hakkinen và David Coulthard. Ở phía đối diện là những chiếc xe đua F1 từ giữa những năm 2000 với kiểu dáng khí động học "điên rồ" mà chúng ta có lẽ chưa bao giờ được nhìn thấy.


Trung tâm Công nghệ McLaren

Trong số các mẫu xe thuộc sở hữu của McLaren (ngoài một chiếc P1 thuộc sở hữu của khách hàng), thì chiếc F1 XPS năm 1993 màu xanh lá cây đậm trông rất thời thượng. Đáng kinh ngạc hơn khi chiếc xe này phá kỷ lục thế giới với tốc độ 386 km/h trong thời gian 5 năm kể từ sau thời điểm ra mắt.

Trung tâm Công nghệ McLaren

Đằng sau những tấm kính, bạn có thể xem các kỹ sư làm việc với những chiếc xe đua F1, hướng dẫn viên sẽ yêu cầu khách tham quan không ghi hình khi bước vào đây. Những kỹ sư này được ví như những tay đua "không được công nhận", làm việc với những chiếc máy tính khổng lồ trên sàn nhà vô cùng sạch sẽ, không tí bụi bẩn hay vết dầu nhớt nào. Có thể nói đây là garage mà mọi người yêu xe đều mơ ước được tận mắt thấy.


Ở góc khác của căn phòng, tôi nhìn thấy một số xe trưng bày của McLaren đang được bảo dưỡng, bên cạnh là một đội kỹ sư đang chế tạo sợi carbon.

Trung tâm Công nghệ McLaren

Các giải thưởng và danh hiệu vô địch mà McLaren vô cùng tự hào được trưng bày ở một sảnh dài. Cuối sảnh có đặt một bộ khung gầm bằng sợi carbon gọi là MonoCell, giúp bảo vệ người lái và hành khách trong trường hợp xảy ra tai nạn. Nhờ liên tục nghiên cứu và phát triển, hiện nay chỉ mất 4 giờ để chế tạo và chỉ nặng khoảng 75 kg. 20 năm trước, người ta phải mất 4.000 giờ để làm bộ khung gầm bằng sợi carbon này cho những chiếc McLaren F1.

Trung tâm Công nghệ McLaren

Bên dưới sảnh trưng bày là một hành lang ngầm dài, mở ra lối vào nhà máy sản xuất của McLaren. Từ đây, tôi được chứng kiến các siêu xe của McLaren được "sinh ra". Tất cả đều được chế tạo thủ công tỉ mỉ trước khi đến tay khách hàng, nó hoàn toàn không ồn ào, không có robot, không có dây chuyền lắp ráp, và là một môi trường rất thoải mái cho vài trăm nhân viên làm việc.

Dây chuyền sản xuất được quyết định theo đơn đặt hàng của khách hàng. Từ mẫu 570S đến 720S đều được "ra lò" chung trên một dây chuyền, nằm cách nhau vài mét, ở các trạng thái lắp ráp khác nhau trong nhà máy yên tĩnh này.

Trung tâm Công nghệ McLaren

Một khi những chiếc xe được hoàn thành, chúng được vận chuyển đến một phòng riêng biệt để thử nghiệm một loạt các kiểm tra chất lượng phức tạp và tốn thời gian bao gồm hiệu năng, các chỉ số, đèn pha và các hệ thống khác. Sau đó những chiếc xe được đưa qua phòng "gió mùa", mô phỏng các trận mưa như trút nước để bảo đảm chiếc xe không có bất kì rò rỉ nào.


Bước cuối cùng là thử nghiệm hệ truyền động của xe, các bài lái thử diễn ra trong khuôn viên Woking trước khi đến tay chủ sở hữu. Trải nghiệm này mê hoặc tới nỗi tôi có thể đứng đó hàng giờ đồng hồ để xem các tay lái thử phô diễn kỹ năng.

Trung tâm Công nghệ McLaren

Khi đến gần lối ra, tôi bắt gặp một nhóm thử nghiệm của McLaren đang quay trở lại từ chuyến lái thử mới nhất, và phải nói cảnh tượng ấy đẹp đến ngây lòng, họ sải bước hiên ngang quanh hồ, ngã bóng phản chiếu lung linh trên mặt nước. Thực sự rất giống một cảnh tượng nào đó trong một bộ phim bom tấn.

Tận mắt thấy hậu trường những chiếc xe xuất xưởng tại đây đã mang lại một cái nhìn hoàn toàn mới về thương hiệu McLaren và sự đam mê của con người. Khi mỗi sản phẩm đều là sự cống hiến của đội ngũ sản xuất, minh chứng cho sự nỗ lực và tâm huyết cùa những người sáng lập khi xưa để tạo nên thương hiệu tiếng tăm như McLaren hôm nay.

Bài: Việt Nguyễn, từ Woking, Anh Quốc
Chia sẻ bài đăng
Thăm Quan