Đầu năm 2003, khi được hỏi về việc nếu Carlos Ghosn "đầu quân" cho Ford thì sẽ như thế nào, một nhà phân tích cao cấp của ngành công nghiệp ô tô khẳng định: "Việc đó sẽ giúp tăng thêm 10 tỷ USD vào giá trị của hãng xe Mỹ". Đây là một con số khủng, lớn hơn cả GDP của một số quốc gia nhỏ ở Caribbean.
Ghosn trở thành người đàn ông trị giá 10 tỷ USD của ngành công nghiệp ô tô chỉ vì một lý do đơn giản: ông đã vực dậy Nissan. Năm 1999, hãng sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản rơi vào trạng thái cực kỳ căng thẳng. Thị phần của Nissan tại thị trường quê nhà bị thu hẹp dần trong 26 năm và chỉ có 2 hoặc 3 trong số 48 mẫu xe được sản xuất là cho lợi nhuận. Cộng thêm khoản nợ nặng nề tới 20 tỷ USD khiến công ty "thoi thóp" trên bờ vực phá sản, Nissan bị buộc phải nhẫn nhục cầu cứu liên minh với Renault để tồn tại.
Đối với ông chủ của Renault - Louis Schweitzer, Ghosn là lựa chọn hoàn hảo để đảm nhận nhiệm vụ mà nhiều người tin là bất khả thi này. Là một người Lebanon gốc Brazil, Ghosn tốt nghiệp kỹ sư Trường Bách khoa École Polytechnique của Pháp trước khi làm việc cho nhà sản xuất lốp Michelin vào năm 1978 và hồi sinh Renault vào năm 1996. Năng lượng, nhiệt huyết với đầu óc nhanh nhạy và góc nhìn của người ngoài cuộc với các nguyên tắc thành lập, Ghosn là tác nhân thay đổi mà Nissan cần. Ông được bổ nhiệm làm CEO vào tháng 6/1999.
Ở Tokyo, Ghosn đã không lãng phí bất kỳ chút thời gian nào để hành động. Ông chia sẻ vào năm 2003: "Khi gia nhập Nissan, mọi người đều giải thích sự yếu kém của công ty bằng trạng thái của đồng yên, sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng... Tôi đã nói rằng đó chỉ là những lí do vớ vẫn, vấn đề thực tế nằm ở bên trong Nissan kìa. Và một khi bạn phải tìm kiếm lí do để tự bào chữa cho mình ở bên ngoài thì đó chính là khi bạn gặp rắc rối."
Ghosn phớt lờ những câu hỏi về hướng đi sắp tới của hãng xe Nhật Bản, bắt tay với mọi nhân viên mà ông gặp, biến tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức của công ty và mời Shiro Nakamura từ Isuzu về làm giám đốc thiết kế mới của Nissan. Ông đã cho xóa bỏ các bộ phận không cần thiết của công ty, đồng thời thành lập đội quản lý đa chức năng hỗ trợ các bộ phận kỹ thuật, tài chính, bán hàng, tiếp thị và sản xuất truyền thống.
Những điều này ngay lập tức mang lại hiệu quả. Chỉ trong vòng 1 năm sau khi Ghosn đến, Nissan đã công bố lợi nhuận 2,7 tỷ USD với doanh thu 10 tỷ USD tuyệt đẹp của năm trước. Đến năm 2003, Nissan cắt giảm được 20% chi phí, nợ nần cũng giảm nhanh chóng và hệ số lợi nhuận hoạt động 10,6% của công ty chỉ đứng thứ hai so với Porsche - một thời gian dài được coi là cỗ máy kiếm tiền hiệu quả nhất trong ngành ô tô. Vị cứu tinh của Nissan được xem như là một anh hùng ở Nhật Bản: sự nổi tiếng của Ghosn lớn tới mức năm 2002 nhà sản xuất truyện tranh Manga - Big Comic Superior đã xuất bản cuốn sách 6 phần "True Life of Carlos Ghosn", và bán được hơn nửa triệu bản cho những người làm văn phòng trên các chuyến tàu đi lại của Tokyo.
Làm CEO Nissan vào năm 2001, Ghosn sau đó kế nhiệm Schweitzer làm CEO Renault vào năm 2005, trở thành nhà điều hành của cùng lúc 2 hãng sản xuất ô tô riêng biệt hàng đầu thế giới. Năm 2009, ông trở thành chủ tịch của cả hai hãng xe và đến năm 2016, sau khi Nissan mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi, ông đã lãnh đạo một liên minh sản xuất hơn 10 triệu xe mỗi năm.
Tháng 1/2019, Carlos Ghosn đang héo hon trong một nhà tù tại Nhật Bản vì bị buộc tội về những hành vi gian lận tài chính. Việc Ghosn có tội hay không sẽ do các tòa án định đoạt, nhưng điểm đáng chú ý là sự tàn nhẫn của chính công ty mà ông đã hồi sinh. Hiroto Saikawa, người đảm nhận vai trò CEO Nissan vào tháng 4/2017, đã đích thân tiết lộ những cáo buộc về hành vi sai trái sau khi Ghosn bất ngờ bị bắt giữ, thậm chí là những câu hỏi khó trả lời về Hội đồng Quản trị Nissan như việc họ không biết gì về sự quản lí tài chính của người điều hành hay làm thế nào Nissan báo cáo những tư liệu đó cho cơ quan quản lý.
Mặt khác, Saikawa và Hội đồng Quản trị Nissan đã kịch liệt phản đối kế hoạch của Ghosn trong việc hợp nhất liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi một cách chính thức. Họ cho rằng Renault hiện là nhà sản xuất ô tô yếu hơn, lo ngại việc sáp nhập sẽ khiến họ vĩnh viễn phải nhường quyền kiểm soát cho người nước ngoài và cưỡng đoạt khoản dự trữ tiền mặt 10,7 tỷ USD của Nissan. Trong bối cảnh đó, vụ Ghosn trông giống như một cuộc đảo chính giành quyền lực hơn là việc tìm một bằng chứng hiển nhiên. Nguồn tin nội bộ Nissan cho biết Saikawa có thể đã dính líu đến vụ bê bối tài chính này. Thêm vào đó, nguồn tin này cũng chia sẻ, Carlos Ghosn không cần phải lo: "Tại Nhật Bản, ông ấy sẽ luôn được coi là một anh hùng dù có bao lâu đi chăng nữa".