Bộ Công Thương đề xuất áp thuế 0% với động cơ, hộp số ô tô nhập khẩu

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về thị trường ô tô Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, gửi Thủ tướng Chính phủ. Hiệp định ATIGA có hiệu lực năm 2010 và có tác động lớn đến thị trường ô tô Việt.

Báo cáo ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của ô tô nhập khẩu trong nửa đầu năm 2019 với mức tăng hơn 500%, trong khi xe lắp ráp, sản xuất trong nước có xu hướng chững lại từ năm 2017 đến nay.

Phần cuối của bản báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề xuất loạt chính sách thuế để phát triển ngành ô tô Việt.


Bộ Công Thương đề xuất áp thuế 0% với động cơ, hộp số ô tô nhập khẩu

Bộ này khẳng định phải khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển công nghiệp ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt trong nước hay nước ngoài. Các nhà sản xuất, lắp ráp cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm cơ khí, ưu tiên phát triển một số lĩnh vực như ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, điện, thiết bị y tế, linh kiện phụ tùng, đóng tàu biển…

Đồng thời, có chính sách phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt trong công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).

Nhà chức trách sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN, đảm bảo đáp ứng các điều kiện hưởng thuế suất 0%.

Về dài hạn, Bộ cho rằng cần có cơ chế chính sách hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia tập trung vào các thương hiệu, dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo, đề ra các chính sách thuế với công nghiệp ô tô.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thiện và đơn giản hoá các chính sách, thủ tục về thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Bộ này đề xuất hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định. Thuế nhập khẩu với linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu áp dụng mức 0%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng có thời hạn từ 5 đến 10 năm, không áp dụng với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ô tô. Điều chỉnh năng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số các dòng xe áp dụng ở mức hợp lý.

Với thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh theo nguyên tắc thuế suất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo cam kết quốc tế từng Hiệp định thương mại tự do.

Đồng thời, điều chỉnh thuế suất 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng xe ô tô dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số, áp dụng có thời hạn đến năm 2025.

Miễn thuế hàng hoá nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ô tô; áp thuế suất 0% đối với máy móc thiết bị, khuôn… để tạo tài sản cố định.

Thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thếu cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.

Đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ có quy mô từ 50.000 xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu trong vòng 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động cho ô tô, hệ thống điều khiển và phần mềm điều khiển động cơ thì Bộ Công Thương đề xuất được miễn thuế đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực thiết kế chế tạo; nghiên cứu phát triển công nghệ phần mềm; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp.

"Xây dựng chính sách ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ thành các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ trong khu vực và quốc tế," Bộ Công Thương đề xuất.

Theo VnEconomy
Chia sẻ bài đăng
Trong Nước