Cơ sở sáng tạo mới trị giá 600 triệu bảng của Jaguar Land Rover có thể đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên vàng cho thương hiệu xe sang nước Anh.
Hầu hết các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới đều sở hữu riêng cho mình một khu vực trụ sở chính và nhà máy sản xuất như: Volkswagen với khu công nghiệp Wolfsburg rộng lớn, Fiat với trụ sở Mirafiori tráng lệ, BMW với tòa tháp hình bốn xi-lanh mang tính biểu tượng bên cạnh công viên Olympic của Munich, hay trụ sở Russelsheim lớn hơn cả Monaco của Opel.
Nhưng cho đến nay, hãng xe lớn nhất nước Anh, Jaguar Land Rover (JLR) vẫn chưa có một "tiêu điểm" công nghệ như vậy mặc dù mọi thứ đã khác khi Jaguar và Land Rover tách thành hai công ty riêng biệt. Xưởng sản xuất cũ của William Lyons tại Brown's Lane, Coventry đã bị đóng cửa và bán từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó nơi từng là nhà xưởng đơn lẻ của Land Rover ở Lode Lane - nhà máy Solihull giờ đây thực hiện chế tạo đồng thời những chiếc xe Jaguar cũng như Land Rover chứ không phải là nơi cho ra đời các ý tưởng thiết kế.
Một ngôi nhà JLR dành riêng cho việc sản sinh những ý tưởng tuyệt vời đồng thời hiện thực hóa chúng thành những kiệt tác - một khái niệm vừa lãng mạn vừa thực tế - đơn giản là không hề tồn tại, cho đến tháng 9/2019.
Thế giới của JLR giờ đã thay đổi hoàn toàn khi CEO Ralf Speth cho mở Trung tâm sáng tạo sản phẩm mới (Product Creation Centre) ở gần Gaydon, cách khoảng 16 km về phía đông nam của Warwick, nơi làm việc của 13.000 kỹ sư. Với quá trình 5 năm kể từ khi lên kế hoạch cùng 3 công trình xây dựng, khu phức hợp được biết đến với tên gọi Gaydon Triangle. Đây lần đầu tiên JLR có một trung tâm thiết kế ô tô đích thực, một trung tâm kỹ thuật nơi những chiếc xe của hãng sẽ được lên ý tưởng, thiết kế, chế tạo, phát triển cùng các công nghệ hàng đầu thế giới, đồng thời thực hiện lăn bánh thử nghiệm trên những điều kiện đường khác nhau để đi đến dây chuyền sản xuất thương mại.
Tại buổi lễ khai trương, Ralf Speth chia sẻ cơ sở này sẽ là nơi kết nối và giao thoa tất cả các khu vực kỹ thuật toàn cầu của Jaguar và Land Rover trên toàn thế giới - từ Trung Quốc, Hungary, Ấn Độ, Ireland, Slovakia đến Hoa Kỳ. Ông khẳng định: "Chúng tôi có thể cùng nhau định vị vị trí của các bộ phận thiết yếu trong quá trình sáng tạo sản phẩm một cách bao quát với nguồn nhân lực quan trọng ở Gaydon."
Ngoài việc được tạo ra ở đây, tất cả các sản phẩm của Jaguar và Land Rover trong tương lai đều sẽ được thử nghiệm với một loạt các bài kiểm tra tốc độ cao, khả năng xử lý ở khu vực ngoại ô, miệng núi lửa, bùn đất cũng như các thử nghiệm khí thải trong phòng thí nghiệm hay khi nhiệt độ xuống tới -40 độ C trong buồng lạnh. Speth cho biết các cơ sở thiết bị như vậy cũng được mở rộng và phát triển "quyết liệt" hơn 10 năm qua.
Gaydon là một địa điểm nổi bật của lịch sử nước Anh trong hơn 70 năm qua. Năm 1942, nó trở thành sân bay huấn luyện RAF lớn cho các phi hành đoàn máy bay ném bom với ba đường băng cắt chéo nhau. Trong những năm 1950 và 1960, đây là điểm tập kết máy bay ném bom V trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, đồng thời một lần nữa trở thành trung tâm huấn luyện chính cho các phi hành đoàn. Sau khi các máy bay ném bom Victor và Valiant rời đi vào giữa những năm 1960, RAF cũng âm thầm rút khỏi Gaydon cho đến cuối những năm 1970 - khi nó được mua lại làm trụ sở bí mật cho British Leyland Technology. Sau đó Gaydon được mở rộng rất "lung tung" khi British Leyland Technology hợp tác rồi không hợp tác với một số các tập đoàn như Rover Group, British Aerospaces, BMW, Ford hay Tata Motors vào năm 2008, và rồi được coi là trụ sở của JLR.
Ở phần mở đầu trong bài diễn văn đầy xúc động của mình trước các nhân viên cũng như khách mời, Speth đã nói rõ rằng Gaydon Triangle và việc di chuyển đội ngũ thiết kế của Jaguar đến đây là cột mốc để chuyển sang một thời kỳ quan trọng của JLR. Không hề giấu giếm, ông tuyên bố: "Lĩnh vực di động rộng lớn trong tương lai phải là điện khí hóa, dựa trên năng lượng xanh hoặc năng lượng tái tạo". Đây có vẻ là một cách tiếp cận với tầm nhìn xa hơn nhiều so với những gì mọi người mong đợi từ ông chủ của một công ty với mục đích kiếm tiền bằng cách sản xuất những chiếc xe cao cấp, mạnh mẽ. Gaydon Triangle xuất hiện để hứa hẹn sự phát triển triệt để hơn trong tương lai.
Dựa theo một trích dẫn của Abraham Lincoln (cách tốt nhất để dự đoán tương lai của mình chính là tạo ra nó), Speth chia sẻ chuyên sâu về triết lý của Destination Zero, theo đó ông kiên quyết sẽ là người dẫn đường cho tương lai của JLR. Destination Zero có nghĩa là không có tai nạn, không khí thải và không tắc nghẽn, tất cả cuối cùng sẽ thay đổi bởi các phương tiện được thiết kế, chế tạo và xây dựng trong các nhà máy sản xuất trung tính carbon và thân thiện với môi trường.
Vị CEO cho biết: "Tầm nhìn của chúng tôi là về một thế giới trong đó có các phương tiện không phát thải cùng hệ thống giao thông công cộng và xe tự lái tạo thành một giải pháp giao thông thông minh và kết nối với nhau. Những chiếc xe này sẽ được chế tạo theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn - mới, bền, sử dụng vật liệu tự phục hồi cộng với sợi tự nhiên và sợi tái tạo giúp giảm khí thải."
Sau những khẳng định chắc chắn về giao thông trong tương lai là một chuyến thăm quan quanh khu phức hợp thiết kế mới của Jaguar. Giám đốc thiết kế Jaguar Julian Thomson đảm bảo rằng mặc dù các xưởng của Land Rover hiện nằm ngay bên cạnh nhưng các cơ sở sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Jaguar hiện có hai studio lớn là Studio 3 và Studio 4 - lấy cảm hứng từ các con số của những người chiến thắng Le Mans đầu tiên của Jaguar. Hai studio này nằm bao quanh khu vực trung tâm mà các nhà thiết kế gọi là "không gian trái tim", nơi diễn ra các cuộc họp và các cuộc nói chuyển để tìm ra những ý tưởng tốt nhất. Hai trợ lý của Thomson, Alister Whelan (nội thất) và Adam Hatton (ngoại thất) cho trưng bày rất nhiều màn hình trình chiếu các cách thiết kế và kỹ thuật khác nhau, tại đây lần đầu tiên, các nhà thiết kế có thể đặt các mô hình nội và ngoại thất bằng đất sét cạnh nhau để tăng sự kết nối giữa hai nhóm.
Tuy tất cả người ngoài xưởng thiết kế đều không được phép quan sát sâu vào chi tiết nhưng số lượng nhà thiết kế làm việc từng ngày, độ rộng của không gian, độ tiên tiến trong các quá trình có sẵn hay những yêu cầu về mặt tiến độ đều tạo được ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ. Thomson cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành thiết kế những chiếc xe sẽ xuất hiện trên đường vào năm 2040. Và đây cũng là một thách thức lớn."
Trung tâm Gaydon Triangle nằm trong một không gian tự nhiên rộng lớn. Đứng trên nóc ngọn tháp điều khiển 1942 cũ, hiện được sử dụng cho các cuộc họp kỹ thuật, có thể nhìn thấy 70.000 cây được trồng trong suốt 8 năm qua bao gồm 45.000 cây liễu và 25.000 loài bản địa khác. Bên cạnh đó, cách Gaydon 6 km cũng là một rừng cây khác mới được tạo ra vừa để giảm tiếng ồn và vừa để ngăn chặn những đôi mắt tò mò về các nguyên mẫu bí mật của hãng.
Khu vực đường chạy thử tốc độ cao ở bên ngoài trông gần giống như đường đua Le Mans mini với chiều dài 5,43 km cùng 4 làn đường rãi các loại chất khác nhau. Ngoài ra có một đường chạy hỗ trợ dài 12 km khác để theo dõi khả năng xử lý của xe ở tốc độ thấp. Xung quanh đường thử là khu vực kiểm tra phanh, hố cát, hố bùn, hay điểm thử nghiệm hệ thống treo với ổ gà bê tông nhân tạo cực kỳ gay gắt, bên cạnh đó là bài kiểm tra khả năng vượt khu vực gồ ghề ở tốc độ cao. Tất cả chứng minh đây là một địa điểm thử nghiệm đặc biệt toàn diện.
Tốc độ không phải là tất cả, môi trường tự nhiên của Gaydon cũng được quản lý rất cẩn thận, nhẹ nhàng mở ra theo cách rất ấn tượng. Chế độ chăm sóc tuyệt vời được áp dụng để bảo vệ hệ thực vật và động vật (thậm chí cả bướm và bọ cánh cứng cũng được bao gồm), đồng thời hãng cũng khuyến khích các nhóm bảo tồn thiên nhiên địa phương đến thăm thường xuyên. Speth khẳng định: "Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta và nền công nghiệp ô tô cũng đang đóng một vai trò trong đó."