Takahashi và Tsuchiya - Huyền thoại drifting

Drifting là một bộ môn thể thao tốc độ mới chỉ có "tuổi đời" hơn 40 năm nhưng đã khiến những con tim mê xe phải thổn thức. Hẳn rất hiếm người có thể khẳng định rằng chưa bao giờ thử thú chơi này trên chiếc xe của mình. Dù trên các điều kiện mặt đường khác nhau như tuyết, cỏ, cát, nhựa... thì kỹ thuật vào cua chệch quỹ đạo này vẫn luôn trở thành tâm điểm của các tay lái ở những cuộc đua hay cả trong các trò chơi điện tử.

Người khơi nguồn cho kỹ thuật làm thừa lái gây trượt bánh sau ở tốc độ cao khiến xe trượt ngang trên mặt đường lại không hề liên quan đến ô tô, mà là một tay đua xe máy. Kunimitsu Takahashi, người khai sinh ra kỹ thuật drift, bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một tay đua môtô tại giải Grand Prix Honda.

Takahashi và Tsuchiya - Huyền thoại drifting

Takahashi sinh năm 1940 tại Tokyo và chỉ cần 21 năm để tạo lập nên một mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình. Năm 1961, ông trở thành tay đua đầu tiên của Nhật Bản giành chiến thắng ở giải đua môtô Grand Prix với chiếc Honda RC162. Ông cũng nỗ lực để giành chiến thắng trong chuỗi giải đua môtô All Japan Motorcycle Clubman Series và xếp thứ 4 ở giải đua Isle of Man Tourist Trophy.

Năm 1962, tai nạn bất ngờ trong giải đua Isle of Man Tourist Trophy đã khiến Takahashi bị thương nghiêm trọng và phải từ bỏ đường đua môtô. Ông trở lại vào năm 1964 khi trở thành tay đua chính thức cho Nissan, đồng thời bắt đầu đua ở một số giải đấu. Chiến thắng đáng chú ý nhất phải kể đến là ở giải đua Suzuka 1.000 km khi ông về nhất trên chiếc Datsun 240ZR.


Takahashi và Tsuchiya - Huyền thoại drifting

Kế đó, Takahashi quyết định thử sức và ghi dấu ấn tại các đường đua F1 khi những tay đua cá nhân vẫn được phép tham gia. Ông từng về vị trí thứ 9 trên chiếc Tyrrell 007 với động cơ Cosworth DFV 3.0L. Sự nghiệp đua xe của ông kéo dài từ năm 1977 đến năm 2000, khi ở tuổi 60, Takahashi quyết định từ giã đua xe và trở thành Chủ tịch của GT Association of Japan.

Vậy đâu là dấu ấn ông để lại? Trở lại những năm 1970, cùng với những chiếc xe đua như Datsun, Nissan Fairlady 240Z hay March 73S BMW, Takahashi đã sử dụng các kỹ thuật drift để vào cua. Ông lái xe vào đỉnh của một khúc cua ở tốc độ cao và làm chiếc xe trượt bánh qua góc cua này nhưng vẫn giữ được tốc độ của xe. Nhờ vào kỹ năng này mà ông đã giành chức vô địch trong một vài giải đua, chiếm được tình cảm của khán giả nhưng quan trọng nhất là thu hút nhiều người hâm mộ đến với môn thể thao này. Cách Takahashi lái những chiếc xe đua cũng truyền cảm hứng cho Keiichi Tsuchiya, người sau này được mệnh danh là "Vua drift".

Takahashi và Tsuchiya - Huyền thoại drifting

Nhỏ hơn Takahashi 17 tuổi, Tsuchiya bắt đầu xem drifting như một cách đua xe "tự kiểm soát", không phải là một kỹ thuật được sử dụng trong một cuộc đua thông thường. Bắt đầu sự nghiệp của mình ở giải đua F3 của Nhật Bản, Tsuchiya dần dần đặt nền móng cho drifting như một môn thể thao.

Để tìm hiểu và phát triển kỹ thuật mà mình đã thấy ở Takahashi, Tsuchiya quyết định chinh phục những con đường núi nguy hiểm với một loạt các khúc cua bằng kỹ thuật drift. Không ngừng nỗ lực, Tsuchiya thậm chí đã xin treo giấy phép đua xe của mình để tập trung luyện tập và nâng cao kỹ thuật drift ở Usui Touge (đoạn đường đèo giữa Nagano và Gunma).

Ngay sau khi thu hút sự chú ý của công chúng, một vài tạp chí về xe độ bắt đầu quay những đoạn phim về kỹ thuật drift của Tsuchiya. Đoạn video có tên Pluspy, sản xuất vào năm 1987, đã tạo được sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng drifting chuyên nghiệp. Từ đó, drifting nhanh chóng trở thành tâm điểm trên toàn thế giới.

Takahashi và Tsuchiya - Huyền thoại drifting

Một năm sau, một trong những sự kiện đầu tiên dành cho drifting được tổ chức. Cùng với Daijiro Inada, Tsuchiya đã tổ chức phiên bản đầu tiên của D1 Grand Prix, nơi diễn ra các cuộc đua drifting nghiệp dư. Đến năm 1999, sau 10 năm tổ chức, drifting thực sự bùng nổ, các tay đua cũng dần hoàn thiện kỹ năng và đòi hỏi một cuộc thi chuyên nghiệp hơn. Do đó, một sự kiện quy mô hơn được tổ chức (vẫn giữ lại cái tên D1 Grand Prix) ở Ebisu, Nhật Bản vào tháng 10/2000.

D1 Grand Prix ngày nay cũng đã có mặt ở Mỹ. Sau D1 còn có hàng loạt các giải đua khác nhau với nhiều cấp độ như Formula-D (Mỹ), King of Europe Drift (Châu Âu), Drift Mania (Canada)... tất cả đều đóng góp vào sự phát triển và phổ biến của một môn thể thao kịch tính sinh ra bởi Kunimitsu Takahashi và được Keiichi Tsuchiya nâng tầm thành một môn thể thao chính thức. Và, dù thích hay không, drifting vẫn luôn được đón nhận với những cuộc đua tổ chức trên các con đường công cộng, chủ yếu ở Nhật Bản.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe