Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima

Suốt 100 năm qua, Mazda và thành phố Hiroshima (Nhật Bản) đã tác động, định hình dòng chảy lịch sử của nhau theo cách thức rất đặc biệt. Như "phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn", Hiroshima và Mazda đã trỗi dậy mạnh mẽ, không ngừng tiến về phía trước sau thảm kịch năm 1945.
 
Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima

"Còn sống là còn hy vọng"

Trong tâm trí của nhiều người, cái tên Hiroshima gắn liền với vụ thả bom nguyên tử kinh hoàng trong Thế chiến II. Đây là lý do du khách đến Hiroshima lần đầu không mong đợi vẻ đẹp của tự nhiên - điều họ thường tìm kiếm trong các chuyến du lịch. Tuy nhiên, khi bước ra khỏi trạm tàu cao tốc Shinkansen vào một ngày hè đầy nắng và di chuyển đến trung tâm thành phố bằng xe điện, tất cả đều ngạc nhiên và choáng ngợp bởi cảnh đẹp nơi đây.

Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima

Từ vẻ sang trọng của tòa tháp 5 tầng thuộc lâu đài Hiroshima, vẻ tươi mát của vườn Shukkei-en bên bờ sông Ota, khung cảnh tuyệt đẹp trên chuyến phà đến đảo Miyajima đến hương vị món bánh xèo okonomiyaki ngon tuyệt, Hiroshima hiện lên yên bình và dịu dàng như chưa hề trải qua biến cố.

Thế nhưng, nếu dạo thêm một vòng, du khách sẽ cảm nhận được lịch sử của quê hương Mazda gần như hiện diện trên mọi góc phố. Khung xương của mái vòm trên đỉnh Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima - công trình kiến ​​trúc nổi tiếng nhất thành phố, liên tục nhắc nhở mọi người về sự kiện khủng khiếp xảy ra ngày 6/8/1945.

Lúc bấy giờ, tòa nhà được sử dụng làm phòng triển lãm sản phẩm và thuộc số ít công trình còn tồn tại sau khi Mỹ ném bom nguyên tử phá hủy cả thành phố.

Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima

Năm 1929, với dân số hơn 270.000 người, Hiroshima là cộng đồng lớn thứ 7 ở Nhật Bản. Cơ cấu công nghiệp phát triển cùng sự lớn mạnh của các ngành sản xuất sản phẩm địa phương như bông, tre, rau và hải sản giúp Hiroshima trở thành cái tên quan trọng về mặt kinh tế, chiến lược tại xứ anh đào. Cùng lúc đó, nhà máy sản xuất nút chai Toyo Kogyo được thành lập vào năm 1920, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Jujiro Matsuda, đã sáng chế thành công xe kéo tự động ba bánh mang tên Mazda-Go.

Sau khi đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1931, Mazda-Go được khách hàng Nhật đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng thành công. Tuy nhiên, thảm họa 1945 ập đến đã làm thay đổi hoàn toàn bánh xe lịch sử. Thành phố Hiroshima bị tàn phá nặng nề, hoạt động văn hóa, kinh tế ngưng trệ hoàn toàn.

Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima

Không đầu hàng trước nghịch cảnh, cộng đồng người dân Hiroshima cùng Mazda đã làm mọi cách để vực lại mảnh đất quê hương từ tro tàn. Trong cuốn sách “Hiroshima” của John Hersey, tác giả mô tả bầu không khí của thành phố một năm sau vụ ném bom là “tinh thần phấn khởi bao trùm cộng đồng, bởi mỗi người dân đều tự hào về cách họ đã sống sót sau thảm họa”.

Chính biến cố kinh hoàng đã giúp con người xích lại gần hơn, gắn bó và khích lệ nhau không bao giờ bỏ cuộc, nỗ lực hết sức kể cả khi phải rơi vào những tình huống tồi tệ nhất. Chưa cần đến sự vận động của chính quyền, mỗi người dân Hiroshima đều tham gia công cuộc dọn dẹp đống đổ nát, góp phần xây dựng lại thành phố và làm việc chăm chỉ với tinh thần “còn sống là còn hy vọng”.
 

Mukainada Spirit - tinh thần vươn lên từ nghịch cảnh

Mazda khởi sinh tại Hiroshima và dĩ nhiên không thể nằm ngoài công cuộc đại cải tổ mang tính lịch sử này. Sau vụ nổ bom nguyên tử năm 1945, riêng Mazda đã mất 119 người và có đến 335 nhân viên bị thương.

Năm 1945, nhà máy của Mazda nằm ở khu vực Mukainada, chỉ cách khu vực “Ground Zero” bị Mỹ ném bom một vài dặm về phía đông nam. May mắn thay, phần lớn diện tích nhà máy được núi Hijiyama bao bọc nên thiệt hại khá hạn chế.

Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima
 
Sau đó, hãng và toàn thành phố bắt tay vào công cuộc tái thiết với tất cả tinh thần và sức lực. Đáng nói, chỉ 4 tháng sau cuộc tấn công, việc sản xuất xe tải ba bánh Mazda-Go đã bắt đầu trở lại. Sự hồi sinh của Mazda về sau không đơn thuần là câu chuyện kịch tính về sự tái sinh của một công ty sản xuất, mà còn biểu trưng cho sự hồi sinh của cả thành phố Hiroshima.

Những đóng góp lớn lao trong công cuộc vực lại Hiroshima cùng tinh thần vươn lên mạnh mẽ suốt một thế kỷ qua đã giúp Mazda được nhớ đến bằng một cái tên đặc biệt: Mukainada Spirit. Đó là tinh thần làm mọi thứ theo cách của mình, không bao giờ từ bỏ mục tiêu và luôn phấn đấu cho những điều xứng đáng, tương ứng với hình ảnh "phượng hoàng tái sinh từ tro tàn" của vùng đất lửa Hiroshima - vượt lên nghịch cảnh, luôn nhìn về tương lai mà không hề phủ định quá khứ.

“Để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, các nhà lãnh đạo chưa bao giờ bỏ cuộc khi buộc phải đối mặt với những thách thức khó khăn. Mazda chia sẻ niềm đam mê này cùng tôi và tôi rất vui khi được làm việc cùng họ,” người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 - Lech Walesa - phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới của những người đoạt giải Nobel Hòa bình mà Mazda được chọn làm đối tác trong năm đó.

Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima

Ngày nay, khoảng 75 năm sau thảm họa, Hiroshima không chỉ là thành phố lớn nhất vùng Chūgoku ở phía tây đảo Honshu, với hơn 2 triệu dân cùng đời sống văn hóa - kinh tế sôi động, mà còn trở thành biểu tượng đấu tranh vì hòa bình của nhân loại trên toàn thế giới.

Với Mazda, sau khi khởi sinh trong tư cách nhà sản xuất nút chai vào năm 1920, hãng nhanh chóng chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất máy móc, ô tô, cải tiến và thương mại hóa thành công động cơ quay huyền thoại, tiến đến phát triển công nghệ SkyActiv độc quyền. Sau vụ thả bom hạt nhân năm 1945, hãng nỗ lực không ngừng để trở thành tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp xe tại Nhật.

Đến năm 1962, Mazda gặp trở ngại từ chính sách mới của Bộ Thương mại và Công nghiệp, trong đó buộc nhà sản xuất ô tô lớn phải tiếp quản các công ty nhỏ hơn, để gia tăng khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Áp lực từ Chính phủ đồng nghĩa với việc Mazda phải thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm để tồn tại độc lập. Nhưng với sự cam kết của các nhân viên trung thành như kỹ sư nổi tiếng Kenichi Yamamoto và Kazuo Takata, Mazda đã có bước nhảy vọt, đạt được thành công ở tầm quốc tế nhờ vào sự phát triển của động cơ xoay mang tính cách mạng.

Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima  
Khó khăn không chỉ dừng ở đó. Đầu những năm 1990, Mazda tiếp tục phải đối mặt với cuộc đại suy thoái. Ford đã mua lại một lượng cổ phần đáng kể của Mazda. Đến năm 1996, lãnh đạo của Ford là Henry Wallace chính thức tiếp quản Mazda. Vào thời điểm đó, các nhà báo kinh tế coi đây là dấu hiệu suy tàn của Mazda.

Thế nhưng, sự thật hoàn toàn ngược lại. Tận dụng nguồn đầu tư tài chính của Ford và sức mạnh kỹ thuật của Mazda, thương hiệu Mazda đã được tái xây dựng và Zoom-Zoom chính thức ra đời. Khó khăn kinh tế toàn cầu dẫn đến việc Ford giảm cổ phần tài chính tại Mazda, tạo bước đà giúp hãng xe Nhật tạo nên những sản phẩm thành công như Mazda6 và Mazda3.

Mazda và những điều chưa kể về Hiroshima

Tất cả đột phá này được truyền cảm hứng từ cách đối mặt với khó khăn của người Hiroshima. Họ luôn coi thử thách như một chất xúc tác quan trọng để không ngừng vươn lên. Chính tinh thần này đã góp phần định hình tầm nhìn tương lai của Mazda về sau.

Rõ ràng, thế giới luôn nhìn về Mazda và Hiroshima như những biểu tượng của tinh thần vươn lên từ nghịch cảnh để phát triển thần kỳ. Vì vậy, trong suốt 100 năm qua và xa hơn nữa, liên kết lịch sử của Mazda - Hiroshima sẽ mãi không thể tách rời.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe