Battista Pininfarina - Cha đẻ ngành thiết kế ô tô hiện đại

Từ một người "em út" trong gia đình 11 anh chị em, Battista Pininfarina đã trở thành "người khổng lồ" trong ngành công nghiệp ô tô bằng những mẫu thiết kế chạm đến cảm xúc của mọi người yêu xe trên toàn thế giới.
 
Battista Pininfarina - Cha đẻ ngành thiết kế ô tô hiện đại

Mùa thu năm 1946, Paris Motor Show lần đầu tiên mở cửa trở lại sau 6 năm vì đại chiến thế giới lần thứ 2, vì vậy lượng người tới xem sự kiện này đạt mức kỷ lục, gấp đôi so với những năm trước đó. Khách đến xem triển lãm xếp một hàng dài từ cổng Grand Palais - nơi tổ chức sự kiện - cho đến tận bờ sông Seine.

Nhưng có một vấn đề, với trọng tâm là tái thiết và phục hồi sau chiến tranh, ban tổ chức quyết định chỉ cho phép xe của các nước phe Đồng minh tham gia sự kiện.

Người đàn ông bướng bỉnh

Battista Pinin Farina không vui với quyết định này của ban tổ chức, ông đã dành hàng tháng trời trước đó để tạo ra một chiếc Alfa Romeo 6C tuyệt đẹp với mục đích mang đến sự kiện danh giá ở thủ đô nước Pháp. Cùng với con trai mình là Sergio,
Pinin Farina quyết định sẽ tự lái chiếc xe của mình đến Paris. Ông đỗ chiếc Alfa Romeo do mình lái và chiếc Lancia do con trai Sergio lái - ở đại lộ Winston Churchill, ngay trước cửa Grand Palais, nơi tổ chức Paris Motor Show.

Chiếc Alfa Romeo mui trần với thân xe làm hoàn toàn bằng nhôm, có kiểu dáng đẹp và hiện đại hơn bất kỳ thứ gì trên thị trường vào lúc đó. Nội thất được bọc da trang nhã và có vừa đủ những chi tiết mạ crôm, làm nổi bật màu sơn của xe. Không chỉ vậy, trên nắp capô còn cắm một lá cờ Ý nhỏ, như để gửi một thông điệp thách thức tới ban tổ chức.

Châu Âu khi đó vừa mới trải qua cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử, và hoạt động sản xuất chưa thể trở lại mức như trước kia. Các hãng xe Mỹ, Anh và Pháp phần lớn đem tới Paris Motor Show 1946 những chiếc xe cũ từ trước chiến tranh và họ coi sự kiện này như là cơ hội để tiếp cận nguồn nguyên liệu thô cho tương lai thay vì để trình diễn những mẫu xe mới nhất. Vì vậy 2 tác phẩm mềm mại của Pinin Farina nhanh chóng thu hút mọi ánh nhìn của khách tham quan.

"Farina quỷ quyệt đã mở triển lãm riêng của ông ta," báo chí Pháp đưa tin nhưng người dân Paris lại bày tỏ sự thích thú với 2 chiếc xe cũng như ngưỡng mộ sự “cứng đầu” của nhà thiết kế người
Italy. Các chuyên gia về lịch sử xe hơi sau này nhận định hành động của Farina đã giúp tái sinh ngành thiết kế ô tô Italy sau thế chiến.

Bất chấp lệnh cấm của ban tổ chức, Pininfarina đỗ chiếc xe của mình ở đối diện cổng triển lãm và ngay lập tức vẻ đẹp của nó đã thu hút mọi ánh nhìn

Danh tiếng là vậy, nhưng Battista Pinin Farina không sinh ra trong một gia đình có truyền thống mỹ thuật. Là đứa trẻ thứ 10 trong một gia đình nghèo với 11 anh em, ông được gọi là Pinin Farina vì là em trai út trong gia đình, Pinin theo ngữ âm Piedmonte có nghĩa là “em bé”. Mẹ của ông yêu cầu các thành viên phải làm tất cả để giúp đỡ gia đình ngay từ khi còn nhỏ tuổi, và vì là em út, Pinin Farina được giao nhiệm vụ lau sạch nồi và chảo của mẹ.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết rằng công việc này làm ông nhận ra mình thấy hứng thú như thế nào với việc cảm nhận những đường cong của kim loại.

Giovanni, anh trai của Pinin Farina, rời nhà từ năm 12 tuổi để làm việc tại một xưởng coachbuilder ở Turin. Một thập kỷ sau đó ông mở xưởng chế tác thân vỏ xe hơi của riêng mình, và thuê cậu em trai Pinin Farina, khi đó mới 18 tuổi, về làm việc. Chính tại xưởng của anh trai,
Pinin Farina có cơ hội gửi bản thiết kế lưới tản nhiệt của mình cho mẫu Fiat Zero.

Khi được hỏi rằng liệu ông có thích thiết kế của mình hơn bản vẽ đề xuất của Fiat, Pinin Farina nói thẳng với nhà sáng lập hãng xe Giovanni Agnelli: “Tôi thích thiết kế của tôi hơn vì tôi là người làm ra nó”.

Có vẻ như nhà tư bản hàng đầu Italy bị ấn tượng bởi câu nói này, vì sau đó mẫu thiết kế của Pinin Farina giành giải và được Fiat chọn để lắp trên chiếc Zero.

Giấc mơ khởi nghiệp

Đến thập niên 1920, ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, cả về năng lực sản xuất lẫn công nghệ. Sự tò mò đã đưa Battista Farina đến Mỹ, nơi ông gặp Henry Ford và được mời làm việc, nhưng đã chọn quay trở lại Italy với ước mơ khởi nghiệp của riêng mình.

Ông cũng tham gia vào các cuộc đua, tự lái chiếc xe của mình giành chiến thắng ở cuộc đua Aosta-Gran San Bernado vào năm 1921. Chính thời gian này đã giúp ông tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp với các nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Italy, trong đó có Vincenzo Lancia, tay đua đồng hương, người sau này sáng lập ra hãng Lancia.

Trải qua một thập kỷ phát triển công nghệ cũng như các thiết kế mới được thử nghiệm trên đường đua, với sự hỗ trợ của Lancia và gia đình, Battista Farina rời khỏi công ty của anh trai và thành lập xưởng chế tác thân vỏ của riêng mình - Carrozzeria Pinin Farina. Xưởng thiết kế của ông phục vụ cả những khách hàng riêng lẻ, cũng như sản xuất các mẫu xe số lượng ít dựa trên hệ thống khung gầm của các hãng xe Italy như Lancia, Fiat và Alfa Romeo.

Sau thành công ở Paris, Pinin Farina cho ra đời một thiết kế đi vào lịch sử - chiếc xe mà nhiều người cho là tác phẩm tuyệt vời nhất của ông - 1947 Cisitalia 202 Coupe. Tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế từ khung gầm, Pinin Farina quyết định mọi chi tiết mà ông cho là phù hợp, bao gồm cả bộ tản nhiệt nằm ngang và chắn bùn liền mạch với thân xe. Chiếc xe gây ấn tượng tới mức Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York bầu chọn nó là 1 trong 10 thiết kế xe hơi đẹp nhất mọi thời đại, và mua hẳn một chiếc về để trưng bày.

Cisitalia 202 Coupe - chiếc xe đưa tên tuổi của nhà thiết kế Battista Pininfarina nổi tiếng khắp thế giới vào năm 1947
 
Tất nhiên, Ferrari là cái tên thường được nhắc tới nhiều nhất khi nói đến Pininfarina, nhưng sự hợp tác giữa 2 công ty phải mãi tới năm 1951 mới bắt đầu. Cũng như Battista, Enzo Ferrari là một người nổi tiếng “cứng đầu” và có lẽ chính vì vậy nên cuộc gặp đầu tiên giữa hai người đàn ông diễn ra ở một nhà hàng tại Tortona, thị trấn nhỏ nằm chính giữa Turin - nơi đặt trụ sở của Pininfarina - và Modena - nơi Ferrari đăt tổng hành dinh. Hai con người này đơn giản là không chịu đến lãnh địa của người còn lại.

Báo chí Italy khi đó cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa Ferrari và Pinin sẽ không kéo dài, vì họ đều có cá tính quá mạnh. Bất chấp điều đó, mối lương duyên này đã tạo nên một loạt những chiếc xe được coi là đẹp nhất lịch sử ngành công nghiệp xe hơi, và nó vẫn tiếp tục đến nay với 200 mẫu Ferrari được thiết kế bởi Pininfarina.

Đến năm 1961, sau nửa thế kỷ tạo nên những mẫu xe đầy cảm xúc, Battista Pinin Farina chính thức đổi họ của ông thành Pininfarina, và giao lại sự quản lý cho con trai Sergio, người lãnh đạo hãng thiết kế trong vòng 40 năm tiếp theo.

Hơn cả một ký ức về vẻ đẹp

Trong nửa sau của thế kỷ 20, Pininfarina không chỉ làm việc với các thương hiệu hạng sang mà còn thiết kế các mẫu xe bình dân cho Peugeot hay Mitsubishi. Sự đa dạng trong thiết kế của công ty chính là chìa khóa để tồn tại và phát triển. Các giá trị cốt lõi của Pininfarina là Thanh lịch, Tinh khiết và Đổi mới, và điều này được phản ánh trong tất cả các thiết kế của họ.

“Nếu bạn hỏi tôi phong cách Italy nghĩa là gì, thì đó là cảm giác về tỷ lệ, sự đơn giản và hài hòa của đường nét, để dù sau một thời gian nhất định, vẫn còn thứ gì đó sống động chứ không chỉ là ký ức về nét đẹp,”
Pininfarina từng nói.

Từ trái qua: Battista Pinin Farina, nhà sáng lập Carrozzeria Pinin Farina; Enzo Ferrari - nhà sáng lập Ferrari và Sergio Pininfarina, con trai của Battista.

Trải qua 90 năm lịch sử, những thiết kế của Pininfarina luôn trường tồn và nằm trong top những chiếc xe đẹp nhất mọi thời đại. Ba thế hệ nhà Pininfarina đã chiếm trọn trí tưởng tượng của những người đam mê xe hơi trên toàn thế giới, với nhiều chiếc xe được coi là hiện thân của sức mạnh, tốc độ và sự tinh tế.

Tại Việt Nam, VinFast là hãng xe Việt đầu tiên trong lịch sử hợp tác với Pininfarina trong những mẫu xe của mình. Hai mẫu sedan và SUV của VinFast được thừa hưởng những tinh hoa thiết kế với kinh nghiệm gần một thế kỷ của nhà thiết kế Italy, nhưng vẫn kết hợp hài hòa với bản sắc Việt để tạo nên một sản phẩm có vẻ đẹp thời thượng và đẳng cấp quốc tế.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe