Đối với những chiếc xe sử dụng hộp số tự động hoặc hộp số vô cấp (CVT), việc leo dốc là tương đối dễ dàng với các tài xế vì họ chỉ cần phối hợp giữa chân ga và chân phanh. Tuy nhiên mọi chuyện lại rất khác sau khi xe đã lên đỉnh và bắt đầu đi xuống.
Khi xuống dốc, xe sẽ chuyển động theo quán tính và lực này tỷ lệ thuận với trọng lượng và tốc độ của chiếc xe. Nếu xuống dốc bằng số cao thì quán tính của xe càng lớn, để kiểm soát tốc độ chúng ta sẽ phải rà phanh, và càng phanh nhiều thì ma sát sẽ làm má phanh bị nóng.
Chọn số thích hợp
Nhiệt độ cao sẽ làm tăng khả năng má phanh bị mòn hoặc cháy, qua đó khiến hệ thống phanh mất tác đụng tạm thời. Điều này là cực kỳ nguy hiểm và nếu không dẫn đến tai nạn thì cũng làm giảm tuổi thọ của má phanh. Vì vậy khi xuống dốc, người lái nên giảm tối đa việc dùng phanh, chỉ phanh khi thật sự cần thiết. Nhưng làm sao để vừa phanh ít mà lại và kiểm soát được tốc độ khi xuống dốc? Câu trả lời là hãy sử dụng hộp số của bạn đúng kỹ thuật để kiểm soát tốc độ.
Để xuống đèo dốc an toàn chúng ta nên
dựa vào các yếu tố thực tế như độ dốc, độ dài của dốc, địa hình cũng như
mật độ giao thông để quyết định chọn số nào. Trước đây chúng ta thường
được biết tới câu châm ngôn kinh điển là “lên số nào, xuống số đấy”
nhưng điều này thường đúng hơn với các xe số sàn. Với các công nghệ mới,
hộp số tự động có thể vận hành một cách thông minh để đoán số dựa trên
hành vi của người lái. Tốt nhất là nên giữ tốc độ an toàn khi lên dốc và
xuống dốc.
Tốc độ an toàn ở đây không phải là một con số cụ thể
mà là tốc độ khi người lái vẫn làm chủ được chiếc xe, mặc dù chỉ cần
phanh ít. Trên thực tế, hãy xuống dốc bằng ga và đảm bảo xe không lao
theo quán tính.
Ở những chiếc xe số tự động, ngoài vị trí của
cần số được bố trí gần như giống nhau (P, R, N, D) còn có các cấp số như
L (trên Fadil) và M+/- (trên Lux A và Lux SA). Fadil sử dụng hộp số CVT
nên có cấp số L (số thấp - Low) dành riêng cho việc đi đường đèo dốc
hoặc tải nặng. Trong khi đó Lux A và Lux SA sử dụng hộp số 8 cấp và có
chế độ chuyển số M trên cần số, người lái có thể chủ động về số thấp để
kiểm soát tốc độ khi đổ đèo.
Nếu bạn lái một chiếc xe số tự động
xuống dốc mà thấy xe trôi nhanh ngoài ý muốn, thì hãy lập tức rà phanh
và chuyển số xuống các số thấp hơn hoặc số L. Nếu chọn số quá thấp thì
máy sẽ bị gằn khi vòng tua lên cao, và chỉ vì giữ gìn phanh mà bạn có
thể phải đánh đổi bằng việc làm giảm tuổi thọ hộp số. Nhưng nếu chọn số
quá cao xe sẽ chạy với quán tính lớn và lúc đó chúng ta lại phải sử dụng
nhiều phanh.
Đừng mất kiên nhẫn
Vì vậy, mấu chốt ở đây là tìm ra một điểm trung hòa giữa 2 thái cực, khi mà bạn phải dùng phanh vừa phải và động cơ cũng không quá gằn. Việc chọn số phù hợp với từng con dốc sẽ giúp chúng ta làm chủ tốc độ, lái xe an toàn và có thể dừng hẳn xe khi cần thiết.
Thêm một điều cũng cực kỳ quan trọng đó là lòng kiên nhẫn. Việc di chuyển trên các đoạn đường đèo không chỉ ẩn chứa nhiều nguy hiểm vì địa hình lên xuống, mà còn vì tầm nhìn của tài xế bị hạn chế. Tuyệt đối không được vượt ẩu vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến an toàn của bản thân và người khác. Độ dốc của đường đèo sẽ hạn chế sức mạnh của động cơ, vì vậy sẽ cần nhiều thời gian để vượt hơn so với khi đi trên đường bằng.
Thêm vào đó, việc lái xe trên đường đèo núi cần sự tập trung cao độ, và thân xe chao đảo liên tục có thể khiến cho tài xế bị căng thẳng. Nếu cảm thấy mệt mỏi, đừng ngại tìm chỗ nghỉ chân để thư giãn và phục hồi thể lực.