Xe hơi kết nối: Cuộc chiến giữa các hãng xe hơi truyền thống với Big Tech

Các đại gia công nghệ từ lâu đã coi xe hơi như là “thiết bị” tiềm năng để chạy các dịch vụ của họ, qua đó mở rộng hệ sinh thái và kiểm soát trải nghiệm người dùng một cách đồng bộ.

Các hãng xe đã từng thử nghiệm, đầu tư những khoản tiền lớn vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ để xây dựng khả năng kết nối cho những chiếc ô tô, nhưng họ gặp phải sự cạnh tranh quá mạnh từ các đại gia công nghệ. Apple, Google hay Amazon đều có kế hoạch mở rộng đế chế của mình dựa trên nền tảng hiện có bằng cách kiểm soát trải nghiệm người dùng trên xe hơi của họ.

Hiện nay Apple và Google gần như chi phối hoàn toàn với tiêu chuẩn hiển thị của họ trên các hệ thống thông tin giải trí xe hơi, và rất có thể sẽ tự phát triển hệ điều hành xe hơi của riêng mình

Đối với nhiều thị trường, đặc biệt là Bắc Mỹ, thời gian khách hàng ở trên xe cá nhân chỉ kém thời gian họ dành cho điện thoại thông minh. Với chiến lược tấn công của mình, Big Tech đang từ từ nắm quyền kiểm soát tương lai kỹ thuật số của ngành công nghiệp ô tô.

Từ đối tác đến mối đe dọa

Mọi thứ bắt đầu từ những sự hợp tác ít rủi ro - đôi bên cùng có lợi giữa các nhà sản xuất xe hơi và các tập đoàn công nghệ, khi màn hình thông tin giải trí trên xe hơi hiển thị giống như trên điện thoại thông minh. Điều này nghe có vẻ hợp lý vì nó giúp đồng nhất trải nghiệm người dùng, và dẫn đến sự ra đời của Android Auto, Apple Carplay và ở Trung Quốc là Baidu CarLife.

Ngày nay, hầu hết các nhà sản xuất xe hơi chỉ đơn giản là bán giao diện kỹ thuật cho phép hiển thị tất cả các tiêu chuẩn, thay vì chỉ chọn một kết nối. Mọi thứ tiến thêm một bước với sự xuất hiện của các trợ lý ảo được tích hợp vào xe hơi - Siri của Apple và Alexa của Amazon. Phạm vi hoạt động các dịch vụ kỹ thuật số của xe hơi đang phát triển và sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi những chiếc ô tô tự động hóa cao hơn ra đời, và công nghệ kỹ thuật số có thể sẽ trở thành trung tâm của việc thiết kế và sản xuất xe hơi.

Và từ đây thì mọi thứ đã bắt đầu rủi ro hơn. Việc phát triển xe tự lái cho thấy Big Tech đang tìm cách thống trị không chỉ dịch vụ điện toán đám mây cho xe hơi, mà còn là hệ điều hành của ô tô hay hơn nữa là phần cứng - các thành phần điện và điện tử - vốn là sân nhà của các hãng xe truyền thống.

Không có cách nào để tránh khỏi việc xe hơi trong tương lai sẽ được kết nối internet. Từ tháng 3/2018, mọi phương tiện mới bán ra ở Liên minh Châu Âu phải có chức năng gọi khẩn cấp (eCall). Hơn nữa, sự phổ biến của xe điện, xe tự lái và nền kinh tế chia sẻ cần những phương tiện được kết nối đầy đủ. 5G - điều kiện tiên quyết cho một phương tiện tự lái cấp độ cao - sẽ trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành giúp cho mọi xe hơi đời mới được kết nối internet tốc độ cao.

Không còn nghi ngờ gì nữa, kết nối là yếu tố trung tâm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ô tô, nhưng tiếp theo sẽ là gì và ai sẽ nắm quyền kiểm soát công nghệ của tương lai?

Big Tech đã nắm được yết hầu của mọi chiếc xe được kết nối internet, với lý do hoàn toàn chính đáng. Thoạt đầu người ta có thể cảm thấy ngạc nhiên khi các hãng xe truyền thống sẵn sàng hợp tác với các đại gia công nghệ, nhưng những lợi ích là quá lớn, đặc biệt là về mặt tài chính. Trong nhiều năm, các hãng xe đã đối mặt nhiều thách thức khi phát triển một hệ điều hành độc lập cho những chiếc xe của họ, vì đơn giản đó là điểm yếu lâu năm của ngành. Việc hợp tác với Big Tech không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn là một điểm hấp dẫn khách hàng mua xe.

Chính vì vậy, chỉ trong vài năm, Google đã có thể phủ sóng Android Auto lên khoảng 80% doanh số bán xe hơi toàn cầu. Bước tiếp theo của công ty công nghệ này sẽ là Android Automotive OS, hệ điều hành dành riêng cho xe hơi được tích hợp sâu hơn vào phương tiện.

Đang có một cuộc tấn công của các đại gia công nghệ vào ngành ô tô, để họ có thể kiểm soát nhiều nhất trải nghiệm người dùng

Đối với các nhà sản xuất, đây là lựa chọn rất hấp dẫn, khi chỉ cần mức đầu tư ban đầu tối thiểu là có một bộ sản phẩm toàn diện, có thể tinh chỉnh với nhu cầu cụ thể để lựa chọn từ danh sách dài các dịch vụ của Google. Android là hệ điều hành smartphone phổ biến nhất thế giới và nhiều tài xế đã quen thuộc với giao diện cũng như các chức năng cơ bản của nó.

Mặc dù sự phổ biến của Android Auto như một ứng dụng hiển thị trên xe hơi không thể dự báo chắc chắn sự thành công của Android Automotive OS, nhưng việc Google phát triển một hệ điều hành mới cho xe hơi là lời cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp ứng dụng.  

Không chỉ vậy, Apple cũng tuyên bố sẽ ra mắt chiếc xe của riêng mình vào năm 2024. Big Tech đang có những bước đi rõ rệt hơn trong tham vọng kiểm soát những chiếc xe ô tô và các hãng xe truyền thống không thể bỏ qua mối đe dọa này.

Liệu các hãng xe có thể tiếp tục kiểm soát công nghệ kỹ thuật số trên ô tô của họ không? Làm thế nào để hạn chế sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các đại gia công nghệ, khi mà Google hay Apple hoặc Amazon có quyền lực đủ lớn để tác động tới xu hướng phát triển phương tiện cũng như mô hình vận tải trong tương lai?

Và làm sao để các nhà sản xuất xe hơi có thể kết nối trực tiếp tới người dùng, nhằm hưởng lợi từ cuộc cách mạng xe hơi kết nối internet?

Cho tới nay, câu trả lời của các hãng xe đi theo 3 hướng chính.

Hợp tác hay đối đầu?

Đầu tiên là tiếp tục hợp tác, GM và liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi phối hợp chặt chẽ với các hãng công nghệ lớn để bù đắp cho năng lực còn thiếu, tránh những khoản đầu tư R&D khổng lồ trong khi vẫn có được tính năng hấp dẫn và cập nhật trên các dòng xe của mình. Hạn chế của cách tiếp cận này là rất hiển nhiên - họ sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào Big Tech.

Phương án thứ hai là tuyên chiến, mặc dù việc này có nghĩa là các hãng xe sẽ phải đối đầu Big Tech ở sân chơi của họ. Volkswagen cũng như Toyota đã quyết định đổ nhiều tiền hơn vào công tác R&D để phát triển phần mềm của riêng riêng mình. Tháng 11/2020, hãng xe Đức cho biết sẽ đầu tư 27 tỷ Euro đến năm 2025 để phát triển hệ điều hành ô tô. Trước đó vào tháng 7, hãng xe Nhật thông báo thành lập công ty con phụ trách việc phát triển phần mềm cho xe hơi dưới sự điều hành của James Kuffner - người có thể coi là chuyên gia số 1 thế giới về tự động hóa và thiết kế chuyển động.

Cách tiếp cận cuối cùng là tạo ra một tiêu chuẩn chung trong ngành để hợp sức chống lại Big Tech. Một số hãng xe đã tham gia vào Liên minh GENIVI - một sáng kiến của ngành công nghiệp ô tô nhằm phát triển hệ điều hành xe hơi mã nguồn mở dựa trên hệ điều hành Linux.

Trong cuộc chiến để giữ lại quyền kiểm soát và bản sắc riêng cho dịch vụ của mình, trước sức ép đến từ Big Tech với năng lực phần mềm khủng khiếp, mỗi cách tiếp cận đều có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng để bắt đầu “tự khẳng định mình”, các hãng xe nên cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng thông qua chiến lược “cộng tác và cạnh tranh” có mục đích.

Mặc dù có một số ngoại lệ hiếm hoi, nhưng các dịch vụ kết nối trên xe hơi ngày nay vẫn còn tụt hậu khá xa so với điện thoại thông minh, về khả năng cũng như trải nghiệm người dùng. Ví dụ, khi đang lái xe và muốn xác định vị trí tiếp nhiên liệu, trạm xăng hay đỗ xe, người dùng thường phải trải qua các công đoạn phức tạp, và cuối cùng lại phải nhờ đến sự giúp đỡ của smartphone. Nếu có bạn đồng hành thì không sao, nhưng sẽ khá bất tiện nếu bạn đang lái xe một mình trên cao tốc.

Các hãng xe truyền thống cũng có tham vọng của riêng mình. Không có hãng xe nào đang hoạt động dựa trên một nền tảng kết nối toàn cầu hay có thể nhân rộng. Thực tế là nhiều hãng đang phải duy trì nhiều phiên bản phần mềm khác nhau cũng như vô số biến thể của hệ thống thông tin giải trí.

Nhiều hãng xe đã tham gia vào Liên minh GENIVI để phát triển một hệ điều hành cho xe hơi dựa trên mã nguồn mở Linux
 
Một trải nghiệm hứng khởi, hoàn toàn tự động - nơi nhu cầu của người lái được nhận biết sớm và cá nhân hóa dựa trên dữ liệu người dùng, được vận hành thông qua giao diện người - máy (HMI) sẽ làm khách hàng cảm thấy hài lòng. Một hệ điều hành xe hơi được tiêu chuẩn hóa, với giao diện linh hoạt để kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ và nội dung sẽ là hướng đi hứa hẹn cho các hãng xe.

Các dịch vụ riêng lẻ và rời rạc trước đây có thể được liên kết theo thời gian thực, tạo thành chuỗi giải pháp thông minh và chủ động cho người dùng. Những chiếc xe sẽ có thể chạy ứng dụng của Microsoft, Google hay Amazon tùy theo nhu cầu của chủ nhân. Dù là gói dịch vụ nào, nhà sản xuất xe hơi cũng kiểm soát trải nghiệm người dùng, và có thể mang lại cho khách hàng lợi ích khi trở thành thành viên của một câu lạc bộ riêng biệt.

Vào lúc này, việc Tesla thu phí người dùng theo tháng cho tính năng tự động lái là ví dụ rõ ràng nhất cho việc một hãng xe sẽ hưởng lợi như thế nào khi kiểm soát hoàn toàn trải nghiệm người dùng. Các dịch vụ giá trị gia tăng như vậy cũng tạo ra sự khác biệt của thương hiệu và tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững, chưa kể đến việc sử dụng các dịch vụ kết nối như một công cụ tạo nên lòng trung thành của khách hàng.

Chia sẻ bài đăng
Công Nghệ