Ferruccio Lamborghini thành lập công ty của mình vào năm 1963 với mong muốn tạo ra một chiếc siêu xe thể thao hoàn hảo trang bị động cơ V12. Dù lúc đó, động cơ hút khí tự nhiên này đang vấp phải nhiều thách thức về công nghệ lẫn kích thước, nhưng ông vẫn kiên quyết rằng đó là sự lựa chọn khả thi duy nhất cho một chiếc Lamborghini hàng đầu. Vì vậy, "huyền thoại" Lamborghini V12 đã được tạo ra và là một phần trong nền tảng lịch sử của Lamborghini kể từ đó, với tiếng máy đầy uy lực không thể "bắt chước" của 12 xi-lanh, hiệu suất đỉnh cao cùng khả năng tăng tốc cực nhanh.
Chiếc xe đầu tiên của hãng, Lamborghini 350 GT được giới thiệu vào năm 1963 với động cơ 3.5L V12 có góc nghiêng 60 độ cùng trục cam đôi trên đỉnh, sản sinh công suất 320 mã lực, phát triển bởi Giotto Bizzarrini. Một giai thoại cho rằng Lamborghini đã chi cho Bizzarrini một khoản tiền cho mỗi mã lực bổ sung mà vị kỹ sư có thể tạo ra. Động cơ được đặt phía trước của chiếc xe, áp dụng cách bố trí cơ khí phổ biến vào thời điểm đó và khái niệm "con bò kéo cỗ xe".
Giống như trước đây, khả năng tăng tốc và cảm giác được "ép" vào ghế là một trong những trải nghiệm hấp dẫn nhất ở một chiếc siêu xe thể thao. Động cơ V12 hút khí tự nhiên, cả trước đây và bây giờ, đều là sự lựa chọn rất khác biệt ở sức mạnh và tốc độ tăng tốc, mang lại tính thể thao cùng khả năng phản hồi nhạy bén.
Chiếc Lamborghini V12 đầu tiên tiếp tục là nền tảng cho những lần xuất hiện sau đó của động cơ V12, với nhiều cải tiến khác nhau được phát triển trong các mẫu xe tiếp theo. Dung tích động cơ V12 trên mẫu 400 GT (1966) được nâng lên thành 4.0L, đồng thời tăng tỷ số giữa hành trình pít-tông và đường kính xi-lanh, cho công suất 320 mã lực tại 6.500 vòng/phút, tốc độ tối đa tăng từ 250 km/h lên 270 km/h. Động cơ 4.0L mới này là nền tảng cho một số mẫu xe quan trọng sau đó, bao gồm Espada 2+2 (1968) với công suất 350 mã lực và tốc độ tối đa 260 km/h, Islero (1968) với công suất 330 mã lực, Jarama (1970) với 350 mã lực và sau đó là 365 mã lực ở Jarama S.
Tuy nhiên, hiệu suất còn phải dựa trên các kỹ thuật cao chứ không chỉ riêng sự nỗ lực. Lamborghini nhận ra rằng động cơ càng đặt về phía giữa xe thì khả năng phân bổ trọng lượng càng tốt. Thật vậy, Miura (1966) ra đời đã phá vỡ mọi quy tắc cũ khi kết hợp động cơ và hộp số trong một khối duy nhất. Đến phiên bản Miura SV, động cơ 4.0L V12 có tên gọi P400 được đặt ngang và chuyển đến phần giữa phía sau khoang lái. Thiết kế của chiếc xe đã khéo léo giải quyết được cách bố trí mới này và một biểu tượng đã ra đời. Là chiếc xe thương mại nhanh nhất tại thời điểm ra mắt, sản sinh công suất 370 mã lực, tăng tốc 0-100 km/h trong 6,7 giây và tốc độ tối đa 285 km/h, cách bố trí động cơ đặt giữa phía sau của Miura đã thiết lập nên một tiêu chuẩn mới cho Lamborghini và các hãng xe hiệu suất cao khác.
Từ đó, "chú bò tót Lamborghini 370 mã lực" bắt đầu đẩy cỗ xe hơn là kéo nó, khẳng định hướng đi sáng tạo của thương hiệu trong việc chế tạo các siêu xe thể thao sử dụng động cơ hút khí tự nhiên của mình.
Kể từ nguyên mẫu đầu tiên, ngoài hiệu suất cao, âm thanh của khối động cơ V12 đã trở thành một "bản giao hưởng" thổi hồn cho những chiếc xe, và trong Miura, "dàn nhạc" này được đặt giữa, ngay phía sau khoang cabin - rất gần tai của người lái. Mỗi xi-lanh trong số 12 xi-lanh đều được tinh chỉnh để chuyển động hài hoài với những cái còn lại, như thể 12 "cây vĩ cầm" xuất sắc qua sự điều phối của người chỉ huy dàn nhạc. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển với kỹ thuật xuất sắc, khi tần số vòng tua lên càng cao thì âm thanh của động cơ càng được khuyếch đại, tạo nên sức hấp dẫn vật lý riêng biệt trong hiệu suất của V12.
Sau thành công của các mẫu động cơ V12 của những năm 1960 và đầu những năm 1970, Countach (1974) ra đời và một lần nữa dịch chuyển vị trí động cơ lùi về phía sau theo chiều dọc, do đó nó có biệt danh là LP400, trong đó LP là Longitudinale Posteriore và 400 là dung tích động cơ 4.0L. Với thiết kế táo bạo kết hợp cửa cắt kéo và các chi tiết tạo hình đặc trưng, Countach đã viết nên một trang sử mới trong ngôn ngữ thiết kế của những chiếc siêu xe thể thao Lamborghini, có tốc độ tối đa 300 km/h và âm thanh động cơ gần hơn nữa với tai người lái.
Tiếp đó, LM002 (1986) sử dụng động cơ Countach nhưng dung tích được tăng lên 5.2L, cho công suất 444 mã lực. Sở hữu công suất và mô-men xoắn hàng khủng, hiệu suất vượt địa hình của chiếc SUV còn đi kèm với âm thanh đầy ma lực của khối động cơ V12 khét tiếng.
Mặc dù không có thêm vị trí nào khác để lắp động cơ vì các giải pháp tốt nhất đã được đưa ra, nhưng những nâng cấp về hiệu suất liên tục được nâng lên vẫn chưa dừng lại. Diablo (1990) xuất hiện với động cơ 5.7L V12 công suất 485 mã lực đã khẳng định vị trí của dòng động cơ LP. Bên cạnh đó, hệ dẫn động bốn bánh lần đầu tiên được trang bị trên Diablo, giúp chiếc xe tăng tốc từ 0-100 km/h trong 4,5 giây và tốc độ tối đa đạt 320 km/h.
Khi thế kỷ mới bắt đầu với sự ra mắt của một mẫu siêu xe mới vào năm 2001, Lamborghini V12 khét tiếng vẫn là động cơ được chọn khi Diablo bàn giao thị trường lại cho Murcielago. Ban đầu, xe được trang bị động cơ 6.2L V12, cho công suất 580 mã lực và tốc độ tối đa 330 km/h. Sau đó là phiên bản Super Veloce với dung tích tăng lên thành 6.5L, công suất 670 mã lực.
Chương mới nhất của V12 bắt đầu vào năm 2011, với sự ra mắt của Aventador và khối động cơ 6.5L V12 hoàn toàn mới, có công suất 700 mã lực bên cạnh khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 2,9 giây và tốc độ tối đa 350 km/h. Đến nay đã có không dưới 4 biến thể của động cơ này, bao gồm cả động cơ của SVJ với công suất lên tới 770 mã lực và mô-men xoắn 720 Nm tại 8.500 vòng/phút.
Có thể nói, động cơ V12 quyền lực của Lamborghini là mảnh ghép đầy tính nghệ thuật trong một tác phẩm trình diễn kỹ thuật, đòi hỏi người lái cần phải thực sự hiểu được âm thanh và sức mạnh riêng biệt của nó.