Hệ thống truyền lực trên ô tô có nhiệm vụ truyền công suất từ động cơ đến bánh xe nhằm đảm bảo khả năng vận hành. Trong ngành công nghiệp ô tô, hệ thống truyền lực chiếm tỉ trọng đến 40%. Vì vậy, những sự thay đổi của hệ thống này sẽ có tác động lớn tới cơ cấu ngành sản xuất ô tô trong tương lai.
Cuộc cách mạng trong hệ thống truyền lực ô tô điện
Có thể nói, những áp lực từ quy định ngày càng nghiêm ngặt về khí thải, sự cạn kiệt của trữ lượng dầu mỏ trên trái đất đặt ra bài toán khó cho các hãng sản xuất ô tô khi phải cân bằng giữa sản xuất và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh này, xe điện chính là đáp án khả thi nhất.
Xu hướng lên ngôi của xe điện trong thời gian gần đây đã thúc đẩy các hãng sản xuất ô tô cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Trong đó, phải kể đến sự “lột xác” của hệ thống truyền lực với hai điển hình tiêu biểu là truyền lực pin - điện và truyền lực pin - nhiên liệu.
Hệ thống truyền lực pin - điện
Trong khi các loại xe truyền thống chỉ sử dụng một động cơ đốt trong để cung cấp năng lượng thì ô tô điện sử dụng nhiều động cơ điện để điều khiển, thậm chí chi phối tới từng bánh xe riêng biệt. Hơn nữa, hệ thống truyền lực pin - điện được thiết kế nhỏ gọn, giảm trọng lượng mang đến khả năng điều khiển linh hoạt.
Hệ truyền lực pin - điện không
tạo ra khí thải cục bộ. Vì thế, hệ thống này có thể làm giảm
tới 70% khí CO2 so với xe ô tô truyền thống. Con số này sẽ còn
tăng cao hơn nữa khi xe chạy bằng năng lượng điện tái tạo.
Ngoài
ra, việc được trang bị hệ thống truyền lực pin - điện cũng giúp
tăng hiệu suất hoạt động của ô tô lên đến 98%. Vì thế, xe sử dụng
hệ thống này là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Dự tính
đến năm 2030, 1/3 số xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ sẽ được trang
bị hệ thống truyền lực pin - điện.
Hệ thống truyền lực pin - nhiên liệu
Trong
cuộc cách mạng mang tên điện khí hoá, bên cạnh hệ thống truyền lực pin -
điện còn có sự góp mặt của hệ thống pin - nhiên liệu. Hệ thống này được
kỳ vọng giảm thiểu triệt để lượng khí thải CO2.
Truyền lực pin - nhiên liệu là hệ thống bao gồm: không khí, hydro, chất làm mát và điện áp cao. Trong đó, hydro có nhiệm vụ tạo ra năng lượng nên khí thải ra được chuyển hóa thành nước, không gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, việc lưu trữ nhiên liệu hydro đòi hỏi hệ thống truyền lực phải có áp suất cao hoặc nhiệt độ thấp. Ngoài ra, nhiên liệu hydro dễ cháy nổ nên cần đảm bảo an toàn trong lưu trữ. Đặc biệt, để có thể ứng dụng hệ thống truyền lực pin - nhiên liệu rộng rãi cần có cơ sở phân phối nhiên liệu đồng bộ. Hơn nữa, pin - nhiên liệu có chi phí sản xuất tương đối cao, khoảng 20.000 USD/kW (tương đương 456 triệu đồng). Vì thế, tính ứng dụng thực tế của hệ thống truyền lực pin - nhiên liệu không cao.
Hệ thống truyền lực xe điện - yếu tố góp phần giảm chi phí sản xuất ô tô trong tương lai
Hệ thống truyền lực trên ô tô là tập hợp các thành phần tạo ra năng lượng giúp xe vận hành hiệu quả. Hệ thống này chỉ có 9 chi tiết, giảm 21 chi tiết so với truyền lực trên ô tô truyền thống. Điều này giúp động cơ xe điện nhỏ gọn hơn, tiết kiệm chi phí vận hành.
Các thành phần cơ bản của hệ thống truyền lực điện là hộp số, pin, bộ chuyển đổi DC - AC, động cơ điện và bộ sạc tích hợp. Trong đó, quan trọng nhất là bộ điều khiển điện tử (ECU) với nhiệm vụ trao đổi và xử lý dữ liệu. Hệ thống truyền lực điện được trang bị nhiều ECU nhỏ, mỗi ECU thực hiện một chức năng riêng biệt.
Đối với hộp số, xe điện thường không có hoặc chỉ có một cấp số. Do đó, mô-men xoắn được tạo ra nhờ dòng điện thay vì tốc độ quay của bánh xe giúp xe có thể vận hành mượt mà trên tất cả dải tốc độ.
Thực tế, động cơ điện có thể hoạt động với tốc độ hơn 10.000 vòng/phút. Con số này ở động cơ đốt trong giới hạn ở mức 6.000-7.000 vòng/phút.
Việc cắt giảm nhiều bộ phận, đặc biệt là hộp số khiến chi phí sản xuất hệ thống truyền lực điện thấp hơn 25% so với hệ thống truyền lực truyền thống. Nhờ đó giá xe điện cũng giảm theo. Theo dự báo đến năm 2027, giá xe điện sẽ tương đương xe sử dụng động cơ đốt trong. Điều này giúp nhiều người tiêu dùng có cơ hội sở hữu xe điện dễ dàng hơn. Như vậy, các quốc gia có thể sớm thực thi kế hoạch thay thế xe động cơ đốt trong bằng ô tô điện, tiến nhanh hơn đến mục tiêu phát thải bằng 0, bảo vệ môi trường.
Sau hơn 100 năm thống lĩnh thị trường, vị trí "ngôi vương" của hệ thống truyền lực truyền thống đã bị lung lay bởi sự ưu việt của truyền lực điện. Với ưu điểm vượt trội như cải thiện hiệu suất vận hành, giảm chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường, hệ thống truyền lực điện đang góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô hiện đại.