Thời gian trước năm 1959, nhiều người vẫn cho rằng cấu trúc xe ô tô càng chắc chắn thì càng an toàn. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng khi xảy ra va chạm trực diện, một phần ngoại lực sẽ truyền thẳng từ khung xe ô tô đến người ngồi trên xe gây ra chấn thương nặng.
Vì vậy, các nhà thiết kế hiện nay đã nghiên cứu và tính toán điểm nóng trên khung xe và chia thành nhiều vùng với yêu cầu khác nhau về độ cứng để hấp thụ hay phản lực tốt hơn. Những chiếc ô tô dễ móp đầu chính là thiết kế có độ an toàn cao, giúp hấp thụ va chạm, giảm lực tác động lên khung cabin và người ngồi trong xe.
Ô tô dễ móp đầu dưới tác động của vùng hấp thụ xung lực giúp giảm chấn thương cho người ngồi
Vùng hấp thụ xung lực được cấu tạo bởi khung thép, có thiết kế mềm hơn các vùng khác, giúp hấp thụ lực va chạm và bị bóp méo, uốn cong, co rụm khi có va chạm trực diện mạnh, giúp chuyển hướng lực tác động tránh xa khỏi khung cabin, đảm bảo an toàn, giảm thiểu chấn thương cho người lái và hành khách. Ngược lại, các cánh cửa và khung cabin lại được thiết kế siêu cứng, với các thanh thép cứng, độ dày cao, thanh giằng gia cố… để hạn chế biến dạng khi xảy ra va chạm.
Vùng hấp thụ xung lực hoạt động khi va
chạm trực diện sẽ giúp kéo dài thời gian truyền va chạm từ 0,2-0,8
giây, làm giảm tổng lực tác động lên người ngồi trên xe xuống 85%, túi
khí và dây đai an toàn cũng có tác dụng kéo dài thời gian va chạm, giảm
thiểu chấn thương cho hành khách trên xe.
Dưới tác động của vùng
hấp thụ xung lực, phần đầu xe hoạt động hiệu quả như một tấm nệm, làm
chậm thời gian xe dừng hẳn, giảm lực tác dụng lên hành khách khi xảy ra
va chạm trực diện.
Theo kết quả kiểm tra va chạm từ NCAP cho
thấy, các phương tiện có cấu trúc phần đầu xe mềm hơn sẽ giảm thiểu nguy
cơ thương tích và tử vong của người ngồi trên xe, bởi nếu xảy ra va
chạm trực diện, lực va chạm sẽ bị hấp thụ dần mà không dội ngược lại,
lực này sẽ được triệt tiêu đáng kể khi càng gần cabin.
Công nghệ sản xuất khung xe an toàn với vật liệu có cấp độ cứng khác nhau
Việc
thiết kế một chiếc xe ô tô dễ móp đầu được các chuyên gia kỹ thuật đánh
giá là “công nghệ sản xuất khung xe” an toàn, hiện đại mà hầu hết các
hãng ô tô hiện nay đều đang theo đuổi. Theo đó, trên thân xe sẽ được
chia thành nhiều vùng với yêu cầu khác nhau về độ cứng để tăng hiệu quả
cho vùng hấp thụ lực.
Về cơ bản, vùng đầu xe sẽ được thiết kế từ các vật liệu ít cứng nhất như nhôm, thép thông thường giúp hạn chế độ phản lực lớn, để hành khách không bị ném văng người trong xe theo các hướng, giảm rủi ro tổn thương.
Cấu tạo khung xe với các vật liệu theo thứ tự độ cứng tăng dần từ 1 đến 6 (màu càng nóng độ cứng càng cao):
- Màu xanh có độ cứng thấp nhất thường là nhôm.
- Màu đỏ được phân bổ ở khu vực khung xe bao quanh cabin (khoang nội thất của xe), tạo thành chiếc lồng cứng nhất. Đây là nơi sử dụng các vật liệu có độ cứng cao như thép cường lực.
- Màu vàng sẽ được phân bổ ở những nơi chịu ít tác động khi va chạm như trần xe, sàn xe.
- Cản trước, cản sau sẽ là một trong những vị trí chịu sự va chạm trực tiếp nên các hãng xe thường sử dụng nhựa cao cấp khi thiết kế các bộ phận này để an toàn hơn khi xảy ra va chạm.
- Phần vòm bánh xe và khung nằm dưới bảng táp lô sử dụng loại thép độ cứng thông thường.
Khi tai nạn xảy ra, ô tô dễ móp đầu sẽ gây nhiều hư hỏng nặng cho chiếc xe nhưng hạn chế tổn thương nghiêm trọng cho những người ngồi trên xe. Hầu hết các mẫu xe hiện nay đều thiết kế theo cấu trúc này để tăng độ an toàn, bảo vệ tốt nhất cho những khách hàng của mình.