Có nên mua ô tô lắp ráp trong nước?

Có nên mua ô tô lắp ráp trong nước là băn khoăn của nhiều người. Trong khi các dòng xe nhập chịu thuế lên đến 80% thì mua xe lắp ráp nội địa giải quyết vấn đề chi phí, thuế và chế độ bảo hành, bảo dưỡng.

Theo quy định, mức thuế nhập khẩu của ô tô là 80% nên giá thành luôn cao hơn xe lắp ráp trong nước. Hơn nữa, xe lắp ráp cũng có sự linh hoạt trong bảo hành, bảo dưỡng. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng đắn đo có nên mua ô tô lắp ráp trong nước hay không?

Ô tô nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước đều có ưu nhược điểm riêng
 
Ưu nhược điểm của ô tô nhập khẩu

Tâm lý "sính ngoại" của một bộ phận người tiêu dùng khiến thị trường ô tô nhập khẩu luôn sôi động. Theo báo cáo bán hàng từ VAMA, số lượng xe ô tô nhập khẩu bán ra tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 ở mức khá cao, cụ thể là 65.331 chiếc, hơn 1/3 so với doanh số xe lắp ráp trong nước. Ở góc nhìn khách quan, xe nhập khẩu nguyên chiếc sở hữu những ưu, nhược điểm riêng.

Ưu điểm

Được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến tại những nhà máy chuẩn quốc tế nên chất lượng chính là điểm mạnh đầu tiên của xe nhập khẩu. Theo đó, quá trình sản xuất từ khâu thiết kế đến lắp ráp đều có sự tham gia của hệ thống robot hiện đại. Điều này mang đến sự đồng đều và chính xác gần như tuyệt đối.

Các sản phẩm ô tô nhập khẩu cũng được đánh giá cao về sự tiện nghi và tính năng hiện đại, mang đến cho người dùng những trải nghiệm an toàn và thú vị.

Bên cạnh đó, việc sở hữu ngoại hình bắt mắt, màu sắc đa dạng cũng là một trong những yếu tố khiến người tiêu dùng "ưu ái" những dòng xe nhập khẩu hơn. Với sự đa dạng này, việc lựa chọn một dòng xe theo nhu cầu và sở thích không còn quá khó khăn.

Nhược điểm

Dù sở hữu ưu điểm vượt trội về chất lượng nhưng chi phí chính là rào cản khiến người mua đắn đo với xe nhập khẩu. Hầu hết xe nhập khẩu đều có giá thành cao hơn mặt bằng chung do phải chịu áp lực về thuế. Theo đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ phải gánh 14 loại thuế phí khác nhau, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ và các loại chi phí theo quy định. Trong đó cao nhất là thuế nhập khẩu.

Ô tô nhập khẩu đa dạng về kiểu dáng và màu sắc

Hiện nay, ô tô sản xuất tại các quốc gia khác, ngoài khối ASEAN chịu mức thuế nhập khẩu là 70-80%. Tuy nhiên, từ khi Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô từ Châu Âu (với dòng xe từ 9 chỗ chở xuống) được giảm xuống còn 60,5-63,8%. Theo quy định của EVFTA, lộ trình giảm thuế xe xuống mức 0% sẽ kéo dài trong khoảng 7-10 năm tới.

Ngoài ra, mạng lưới trung tâm bảo hành của xe nhập khẩu nguyên chiếc còn hạn chế, việc tìm mua linh kiện thay thế trong trường hợp ô tô hư hỏng gặp nhiều khó khăn, nhất là với dòng xe sang hoặc phiên bản giới hạn.

Ưu nhược điểm xe lắp ráp trong nước

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từng chứng kiến cảnh "dứt áo ra đi" của nhiều doanh nghiệp liên doanh do chi phí lắp ráp cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, các hiệp định thương mại liên tục được ký kết, cộng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất lắp ráp trong nước đã thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp này.

Để trả lời câu hỏi "có nên mua ô tô lắp ráp trong nước?", người tiêu dùng cần có cái nhìn khách quan, đánh giá ưu, nhược điểm của dòng xe này.

Ưu điểm

Xe hơi lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu nên giá có thể thấp hơn hàng trăm triệu so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người mua. Vấn đề tài chính có thể là băn khoăn lớn nhất đối với người tiêu dùng khi có nhu cầu sở hữu ô tô.

Thêm vào đó, mạng lưới trung tâm bảo hành, bảo dưỡng của các dòng xe lắp ráp nội địa cũng phủ sóng cả nước. Phụ tùng, linh kiện thay thế cũng sẵn có, giá thành thấp nên người dùng có thể tiết kiệm chi phí và thời gian nếu phải sữa chữa xe. Đây cũng là một trong những vấn đề người dùng rất quan tâm sau khi mua ô tô.

Xe lắp ráp trong nước linh hoạt trong bảo hành, bảo dưỡng

Để cạnh tranh với các dòng ô tô nhập khẩu trên thị trường, hiện nay, các hãng xe lắp ráp trong nước cũng đang nỗ lực cải tiến, hoàn thiện về thiết kế, cập nhập tính năng mới cho sản phẩm của mình. Nhờ đó, người tiêu dùng Việt có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao, cập nhật xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Nhược điểm

Điểm yếu của xe lắp rắp nội địa nằm ở sự thiếu đồng bộ trong dây chuyền sản xuất, tay nghề lắp ráp còn hạn chế. Vì thế, ở một khía cạnh nào đó, dòng xe này chưa được đánh giá cao về chất lượng so với ô tô nhập khẩu.

Bên cạnh đó, giá linh kiện ô tô được nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây, đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng lên 2-3 lần. Điều này khiến một số dòng ô tô lắp ráp trong nước có giá cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN - nhóm được hưởng mức thuế 0%.

Sở hữu những ưu, nhược điểm riêng, việc quyết định có nên mua ô tô lắp ráp trong nước hay không còn phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính. Tuy nhiên, dù lựa chọn dòng xe nào, người dùng cần thường xuyên bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo độ bền, nâng cao tuổi thọ xe.

Chia sẻ bài đăng
Tư Vấn