6 lần tạo ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp ô tô của Mercedes-Benz

Mercedes-Benz từ lâu đã là một cái tên có sức ảnh hưởng mạnh nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Bắt đầu với việc Karl Benz nhận được bằng sáng chế khi tạo ra chiếc ô tô đầu tiên và vợ ông, Bertha, đã liều lĩnh lái thử chiếc Benz Patent-Motorwagen trên một quãng đường dài mà Benz không hề hay biết. Bertha Benz là một chuyên gia ô tô đời đầu, bà đã lái chiếc xe trên quãng đường hơn 178 km từ Mannheim đến Pforzheim và ngược lại, giữ cho bộ chế hòa khí luôn ổn định trong khi tiếp tục sửa chữa và cải tiến các bộ phận của xe dọc đường đi. Đó là câu chuyện vào cuối những năm 1800 và tạo cảm hứng cho nhiều thập kỷ đổi mới. Xuyên suốt lịch sử thương hiệu, Mercedes-Benz liên tục đi tiên phong và mang nhiều công nghệ mới đến cho ngành công nghiệp ô tô.
 
1. Bộ tản nhiệt dạng tổ ong
 
Bộ tản nhiệt dạng tổ ong

Những chiếc xe hơi đầu tiên khi đó đã sử dụng nước để làm mát động cơ nhưng nước lại bốc hơi rất nhanh, buộc người dùng liên tục dừng lại để đổ đầy nước. Karl Benz phát minh ra bộ tản nhiệt xe hơi, nhưng Wilhelm Maybach sau đó đã nghĩ ra bộ tản nhiệt dạng tổ ong cho chiếc Mercedes 35 HP. Thiết kế tản nhiệt dạng tổ ong ra đời từ năm 1901 đã cải thiện diện tích bề mặt để không khí lưu thông đồng thời tăng khả năng làm mát nước nhờ một chiếc quạt nhỏ lắp phía sau bộ tản nhiệt. Cơ cấu này nghe rất quen thuộc vì về cơ bản, nó giống cách thiết kế dùng ở hầu hết các xe hơi hiện nay. Mercedes 35 HP là chiếc xe đầu tiên góp phần tạo nên tên tuổi của Mercedes-Benz ngày nay khi thống trị đường đua và khiến thế giới ô tô phải kinh ngạc trước khi được phát triển để trở thành một chiếc xe đường phố.

2. Động cơ đa van
 
Động cơ đa van

Việc xác định nơi đầu tiên tạo ra bất kỳ công nghệ nào thường gây khá nhiều tranh cãi. Trong trường hợp này, động cơ đa van xuất hiện từ năm 1910 và Mercedes-Benz khẳng định mình là thương hiệu tiên phong khi ứng dụng trên chiếc Benz Prinz Heinrich Wagen. Thực tế, động cơ đa van đã xuất hiện lần đầu tiên trên chiếc Peugeot L76 Grand Prix. Tuy nhiên, Benz Prinz Heinrich Wagen đã làm lu mờ mọi thứ khi tham gia giải đua tiền thân của Grand Prix ở Đức với động cơ 5.7L 4 xi-lanh và vươn ra quốc tế với giải Indianapolis 500. Động cơ của xe có 4 van trên mỗi xi-lanh và truyền động trục thay cho hệ thống truyền động xích truyền thống.

3. Khu vực hấp thụ xung lực
 
Khu vực hấp thụ xung lực

Một trong những bước nhảy vọt quan trọng nhất về trang bị an toàn trong ô tô là việc phát minh ra các vùng hấp thụ xung lực vào năm 1952. Khu vực cản này được đưa vào trong cấu trúc của xe để hấp thụ động năng nhiều nhất có thể trong tình huống va chạm, qua đó giảm tác động đến khoang hành khách và những người ngồi trên xe. Trên những chiếc xe hơi hiện đại, thiết kế này đã được tối ưu hơn khi tích hợp một vùng an toàn, chuyển hướng năng lượng không thể hấp thụ xung quanh người lái và hành khách. Khu vực hấp thụ xung lực được công nhận là sáng chế của Mercedes-Benz vào năm 1952 và lần đầu tiên ứng dụng từ năm 1959 trở đi trên các mẫu W110/111/112 thời điểm đó với thiết kế dạng vây đuôi khác biệt.

4. Hệ thống treo đa liên kết
 
Hệ thống treo đa liên kết

Mặc dù Mercedes-Benz không phát minh ra hệ thống treo độc lập, nhưng là thương hiệu đầu tiên giới thiệu một chiếc xe hơi với hệ thống treo độc lập bốn bánh. Hãng xe Đức đã phát triển hệ thống treo đa liên kết và giới thiệu công nghệ này trên chiếc Mercedes-Benz C111 thử nghiệm năm 1969 trước khi sử dụng nó cho những chiếc xe hạng sang và phổ thông, bắt đầu với những chiếc xe dòng 190 và 124 vào những năm 1980. Lợi thế của việc thêm các liên kết là tạo ra kết cấu tinh xảo hơn cho hệ thống treo, cho phép bánh xe gắn liền giữ nguyên các thiết lập liên kết khi hệ thống treo di chuyển lên và xuống, tạo ra một chuyến đi thoải mái hơn với độ bám đường tốt hơn, ổn định hơn khi vào cua. Nhưng nhược điểm của hệ thống treo này là giá thành cao hơn và phải bảo trì nhiều bộ phận hơn. Tuy vậy, hệ thống treo đa liên kết cũng dần trở nên phổ biến và được trang bị trên nhiều chiếc xe phổ thông qua nhiều thập kỷ.

5. Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)
 
Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)

Lịch sử phát triển ý tưởng đằng sau ABS bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 với xe lửa và máy bay. Tuy nhiên, phát triển một hệ thống bắt chước nhịp và ngưỡng phanh cho ô tô khó hơn rất nhiều so với khi áp dụng trên các phương tiện lớn hơn. Các hãng ô tô và các đội đua đã thử nghiệm nhiều loại hệ thống ABS cơ học khác nhau, nhưng Mercedes-Benz mới là hãng tiên phong đưa hệ thống này ra thị trường. Với bằng sáng chế vào năm 1953, hệ thống bắt đầu được đưa vào sử dụng năm 1963 trong hệ thống phanh điện thủy lực. Mercedes-Benz đã làm việc với công ty điện tử tiền thân của Bosch để phát triển một hệ thống cơ bản ra mắt vào năm 1970. Các nhà sản xuất khác tiếp tục tiếp bước và phát triển, đáng chú ý nhất là Chrysler và Bendix Corporation lúc đó cũng sắp trình làng một hệ thống cho bốn bánh. Tuy nhiên, Mercedes-Benz lại vượt lên dẫn trước với hệ thống ABS đa kênh bốn bánh điều khiển kỹ thuật số có tên là Anti-Bloc. Hệ thống điều khiển kỹ thuật số nhanh hơn nhiều này lần đầu tiên xuất hiện trên Mercedes-Benz S-Class 1978 và là sơ đồ thiết kế chi tiết cho hệ thống ABS ngày nay.

6. Hệ thống cảnh báo trước va chạm
 
Hệ thống cảnh báo trước va chạm

Một lần nữa, Mercedes-Benz không phát minh ra hệ thống phát hiện va chạm nhưng đã biến nó thành hiện thực ngày nay. Ý tưởng này đã nổi lên từ những năm 1950 với nhiều hình thức, và rất nhiều nhà sản xuất ô tô đã bắt tay vào thực hiện nó. Tuy nhiên, Mercedes-Benz đã tìm ra cách hiện thực hóa và sử dụng nó, sau đó trang bị hệ thống xử lý trước khi va chạm cho chiếc S-Class 2003. Từ đó, hệ thống này đã trở thành một bản thiết kế chi tiết cho các hệ thống ngày nay. Với các cảm biến kiểm soát độ ổn định điện tử, Pre-Safe sử dụng góc đánh lái, góc nghiêng của xe và lực trượt ngang cùng với tính năng phát hiện phanh khẩn cấp để thực hiện loạt hành động nếu phát hiện va chạm sắp xảy ra. Hệ thống ở giai đoạn đầu này đã có khả năng thắt chặt dây an toàn trước, điều chỉnh vị trí ghế, nâng tựa đầu hàng ghế sau và đóng cửa sổ trời trong trường hợp lật xe. Vào năm 2006, S-Class được tích hợp thêm radar như một phần của hệ thống, trong khi CL-Class được trang bị phanh tự động một phần. Đến năm 2008, E-Class ra mắt cùng hệ thống phanh tự động hoàn toàn trong trường hợp sắp xảy ra va chạm.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe