6 nhà cách mạng ô tô của kỷ nguyên hiện đại

Những con người hiện đại, có tầm nhìn, tiếp bước Henry Ford, Karl Benz và Ferdinand Porsche này đã thay đổi bối cảnh nền công nghiệp ô tô thế giới.
 
Chúng ta đang ở giữa kỷ nguyên mới của những chiếc ô tô, một thời điểm đáng nhớ giống như lúc Henry Ford đưa việc sản xuất ô tô hàng loạt ra thế giới. Chúng ta đang ở thời điểm mà động cơ đốt trong dần đạt đến đỉnh khi năng lượng điện bắt đầu phát triển và thay thế ở dạng hệ dẫn động hybrid hay hoàn toàn bằng pin. Bên cạnh các loại nhiên liệu tổng hợp đang được chế tạo, những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hydro cũng xuất hiện nhiều hơn trên đường phố. Để có được những nâng cấp vượt trội trong công nghệ, vai trò của những nhà cách mạng ô tô như Henry Ford, Karl Benz và Ferdinand Porsche là không thể thiếu. Tiếp bước họ, sau đây là một số cái tên tiêu biểu đối với những cuộc cách mạng ô tô quan trọng của thời kỳ hiện đại.

1. Elon Musk
 
Elon Musk
 

Tên tuổi của Elon Musk sẽ mãi gắn liền với xu hướng sử dụng các phương tiện chạy bằng pin hiện đại. Tuy không phải là người phát minh ra ô tô điện, nhưng ông thể hiện tầm nhìn khi mua lại Tesla. Martin Eberhard và Marc Tarpenning thành lập Tesla vào năm 2003 với mục đích tạo ra "một hãng sản xuất ô tô đồng thời là một công ty công nghệ" và công nghệ cốt lõi của nó là "pin, phần mềm máy tính và động cơ độc quyền". Musk mua lại Tesla vào năm 2004 với khoản đầu tư 6,5 triệu USD và giữ chức vụ CEO từ năm 2008, dẫn dắt công ty khi nó phát triển thành hãng sản xuất ô tô lớn nhất chuyên sản xuất các phương tiện chạy bằng điện và trụ vững ở đó. Liệu Musk và Tesla có tiếp tục giữ mối quan hệ với nhau hay không vẫn là điều gây nhiều tranh cãi, nhưng chắc chắn Musk đã ghi được dấu ấn của mình vào lịch sử ô tô.

2. Christian von Koenigsegg
 
Christian von Koenigsegg

Khi còn là một đứa trẻ, Christian von Koenigsegg đã xem một bộ phim của Na Uy kể về một người thợ sửa xe đạp tự mình chế tạo ra một chiếc xe đua, cạnh tranh với những thương hiệu lớn và giành chiến thắng, nó đã tạo được ảnh hưởng rất lớn với ông. Christian von Koenigsegg từng chia sẻ với BBC trong một cuộc phỏng vấn khi nhắc đến bộ phim này: "Tôi nhớ khi bước ra khỏi rạp chiếu phim, tôi đã chắc rằng đó là điều tôi muốn làm khi lớn lên."

Đó là sự khởi đầu cho hành trình của Koenigsegg và khiến ông thành lập một thương hiệu hypercar ở tuổi 22 với nguồn vốn từ những hoạt động kinh doanh trước đó và chế độ ăn uống kham khổ. Khi Koenigsegg bán được chiếc xe đầu tiên của mình vào năm 2002, CC8S đã đi vào sách kỷ lục như một trong những chiếc xe nhanh nhất thế giới với động cơ thương mại mạnh mẽ nhất, qua đó định hình ý tưởng về một chiếc hypercar.

Ngay từ sớm, Koenigsegg đã ứng dụng công nghệ in 3D và máy quét laser, đồng thời là hãng đi đầu trong công nghệ khí động học và động cơ. Bên cạnh động cơ piston công nghệ không trục cam trên Gemera, hãng cũng thực hiện chương trình phát triển "công nghệ xanh" cho phép sử dụng nhiên liệu linh hoạt cung cấp năng lượng cho CCXR và Jesko, với loại động cơ mạnh nhất trên nhiên liệu sinh học E85.

3. Mate Rimac
 
Mate Rimac

Ngay từ khi còn ở trường trung học, chàng trai Mate Rimac 19 tuổi, người Croatia, đã biến chiếc BMW 3-Series 1984 thành một chiếc ô tô điện và nhanh chóng phá kỷ lục với nó. Chính trong nhà để xe của cha mẹ mình, anh bắt đầu thực hiện các phát minh, giành được các giải thưởng quốc tế về điện tử và sáng tạo từ trước tuổi 18. Khi mang chiếc BMW điện của mình đến đường đua vào năm 2006, anh đã bị chế giễu vì mang theo một chiếc "máy giặt".

Năm 2009, Rimac thành lập Rimac Automobili và bắt đầu với một chiếc siêu xe ý tưởng chạy điện với Adriano Mudri, một nhà thiết kế tại GM. Những khó khăn về tài chính với các nhà cung cấp để phát triển Concept One là điều không thể tránh khỏi. Rimac cũng đã mất các nhà đầu tư khi từ chối chuyển đến Trung Đông. Nhưng khi Concept One xuất hiện, nó là chiếc xe điện thương mại nhanh nhất thế giới. Giờ đây, Rimac đang sản xuất những bộ pin, hệ thống truyền động và xe cho các nhà sản xuất ô tô khác. Bên cạnh đó, hãng cũng đã phát triển một sản phẩm kế thừa mẫu Concept One đình đám, Rimac Nevera. Nevera không chỉ cực nhanh mà còn sở hữu công nghệ đặc trưng của Mate Rimac, như hệ thống nhận dạng khuôn mặt của hãng.

Tuy nhiên, vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2021, Mate Rimac được công bố là CEO mới của Bugatti Rimac, liên doanh giữa Rimac Automobili và Porsche.

4. Gordon Murray
 
Gordon Murray

Sự nghiệp của Gordon Murray bắt đầu ở vị trí một nhà thiết kế của hãng xe đua Brabham và trở thành thiết kế trưởng vào năm 1969. Tên tuổi của ông gắn liền với sự cải tiến trong cách chế tạo những chiếc xe đua F1, gồm những chiếc thắng giải vô địch thế giới và những chiếc của Brabham. Từ năm 1987-1991, ông chuyển đến McLaren trước khi đầu quân cho bộ phận McLaren Cars và tạo ra chiếc McLaren F1 huyền thoại. Năm 2007, ông thành lập Gordon Murray Design, ở đây ông đã thiết kế một chiếc xe hơi cỡ nhỏ chạy trong thành phố và mang về giải thưởng "Ý tưởng của năm" từ Autocar cho quá trình sản xuất của nó. Gordon Murray cũng phát triển mẫu xe tải Ox cho tổ chức từ thiện của Anh, Global Vehicle Trust. Đây là một loại xe tải thùng phẳng nhỏ, rẻ tiền được thiết kế cho các dịch vụ giao hàng chặng cuối ở các nước đang phát triển.

Không thể bỏ qua những chiếc xe hiệu suất cao, dự án mới nhất của hãng là Gordon Murray Automotive T.33, một chiếc siêu xe hai chỗ trang bị động cơ Cosworth V12 đi kèm hộp số sàn 6 cấp.

5. Horacio Pagani
 
Horacio Pagani

Năm 1981, chiếc xe đua McLaren MP4/1 Formula One ra mắt lần đầu tiên với việc ứng dụng sợi carbon vào một chiếc xe đua. Trước khi đến với cuộc đua đầu tiên, nó từng bị chế giễu là "xe nhựa". Tuy nhiên, mẫu xe nhanh chóng thống trị F1, và đã chứng tỏ sức mạnh và độ an toàn khi gặp va chạm ở tốc độ cao. Các đội đua đều bắt đầu chuyển sang sử dụng khung gầm bằng sợi carbon, nhưng Horacio Pagani muốn đưa nó vào những chiếc xe đường trường. Vào thời điểm đó, ông làm việc cho Lamborghini và muốn có một loại máy sử dụng nhiệt và áp suất để xử lý sợi carbon. Tuy nhiên, Pagani đã vấp phải sự phản đối từ Lamborghini, hãng tỏ thái độ rằng nếu Ferrari không có thì Lamborghini cũng không cần. Vì vậy, Pagani đã vay tiền để mua máy móc vào năm 1987 và rời Lamborghini vào năm 1991 để thành lập công ty tư vấn Modena Design.

Modena Design vẫn sản xuất các bộ phận bằng sợi carbon cho các đội đua và nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả Ferrari, nhưng sau đó ông đã thành lập Pagani Automobili. Hãng xe hơi của Pagani đã tạo ra chiếc Zonda huyền thoại làm từ sợi carbon, sau đó giới thiệu chiếc hypercar Huayra vào năm 2011, chiếc xe này cho đến nay vẫn đang được sản xuất giới hạn.

6. John Chen
 
John Chen

John Chen là một doanh nhân sinh ra ở Hồng Kông, CEO hiện tại của BlackBerry, cũng là người tạo ra mẫu điện thoại BlackBerry nổi tiếng cho đến khi iPhone xuất hiện. Chen trở thành CEO của Blackberry và giám sát quá trình chuyển đổi khác hoàn toàn từ một công ty điện thoại di động trở thành một công ty sản xuất ô tô. Trên thực tế, rất có thể gần đây bạn đã từng ngồi trên một chiếc ô tô có phần mềm BlackBerry trong đó. Những hiểu biết rộng trong lĩnh vực di động khiến Chen trở thành một người có tầm nhìn xa. Phần mềm QNX của BlackBerry được các thương hiệu bao gồm BMW, Ford, GM, Honda, Mercedes-Benz, Toyota và Volkswagen sử dụng cho hệ thống hỗ trợ lái nâng cao (ADAS), buồng lái kỹ thuật số và cổng dữ liệu an toàn. Hầu hết các nhà sản xuất xe điện đều sử dụng phần mềm QNX của BlackBerry, phần mềm này có thể sẽ là chìa khóa nếu những chiếc xe hoàn toàn tự động sẵn sàng trở thành xu hướng phổ biến.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe