Niềm đam mê tốc độ cháy bỏng từ một cậu bé
Nhà sáng lập, tay đua, kỹ sư Bruce McLaren là một cái tên không xa lạ đối với giới đam mê tốc độ. Đam mê của Bruce đối với những cỗ máy và những cuộc đua bắt đầu từ chính gia đình của mình. Cha ông là một người thợ điện máy, có một xưởng sửa xe nhỏ và cũng rất hứng thú với giới đua xe bấy giờ.
Đam mê về xe đua thật sự được khơi dậy khi cha của Bruce mang về một chiếc Austin Ulster. Cậu bé Bruce được cho phép tham gia sửa xe cùng với cha mình. Ông mất hơn 1 năm để hoàn thành chiếc xe đầu tiên của mình và bắt đầu tập luyện những kỹ năng lái xe tại các đồi dốc hoặc trong sân đua.
Năm 15 tuổi, ông bắt đầu tham gia những cuộc đua nhỏ gần nơi mình sống và tài năng của Bruce bắt đầu được chú ý. Năm 20 tuổi, tại giải đua Grand Prix New Zealand, Bruce kết thúc ở vị trí thứ 5 và đây chính là cơ hội mở đường cho sự nghiệp sau này của mình.
Bên cạnh những thành tích ấn tượng tại các cuộc đua, Bruce McLaren còn ấp ủ phát triển một mẫu xe thương mại mang đầy đủ phẩm chất của những chiếc xe đua - đây chính là nguồn khởi điểm cho McLaren Automotive của ngày hôm nay - mong muốn và khát khao mang một tinh thần thuần khiết của một tay đua chuyên nghiệp bằng những cỗ máy đến với đường phố. Tất cả khao khát đó được kết tinh trong mẫu xe nguyên bản M6GT. Đây cũng là chiếc xe yêu thích của Bruce McLaren và thường được ông dùng để đi làm cũng như di chuyển đến các sự kiện lớn. Tuy nhiên, kế hoạch phân phối 250 chiếc M6GT đến người hâm mộ của Bruce McLaren đã không trở thành hiện thực khi ông qua đời trong một tai nạn vào năm 1970. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống rất lớn trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới. Tuy nhiên, những thành tích và di sản của Bruce McLaren vẫn tồn tại với sự phát triển của thương hiệu.
Có thành tích ấn tượng trong nhiều giải đua
Sau những thành tích ấn tượng tại giải đua F1, Bruce McLaren đã thành lập một đội đua riêng cho mình, lấy tên Bruce McLaren Motor Racing (BMR) vào năm 1963. BMR chính thức tham dự giải đua F1 vào năm 1966 và giành được nhiều thành tích. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn tham gia nhiều thể thức khác như Can-Am hay 24 Hours of Le Mans và giành được nhiều chiến thắng ấn tượng.
Hiện tại, McLaren Racing đang tham dự
những giải đua danh giá của thế giới như: F1, Indycar và giải đua địa
hình Extreme E. Những công nghệ được thương hiệu nghiên cứu và ứng dụng
trong các giải đua sẽ được sử dụng và liên tục nâng cấp trên những dòng
xe thương mại của McLaren Automotive, đơn cử như bộ khung gầm bằng sợi
carbon, hệ thống động cơ điện… Đặc biệt, nhằm mang đến niềm đam mê những
cỗ máy tốc độ đến giới trẻ, McLaren còn tổ chức đội tuyển thể thao điện
tử cùng dự án McLaren Shadow. Không giống với những môn thể thao khác,
sự chuyển giao của các kỹ năng giữa các giải đua điện tử và thực tế đều
ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến nhau.
Siêu phẩm McLaren F1 sở hữu kỷ lục tốc độ thế giới
Tiếp
nối giấc mơ về việc chế tạo một mẫu xe thương mại của Bruce Mclaren,
đội ngũ McLaren Cars (tiền thân của McLaren Automotive) với sự dẫn dắt
của kỹ sư trưởng Gordon Murray đã tiến hành một dự án kéo dài đến 4 năm.
Kết quả của sự nỗ lực này là siêu phẩm McLaren F1. Năm 1998, chiếc xe
đã lập kỷ lục Guinness Thế giới khi đạt ngưỡng tốc độ 386,4 km/h. So với
những mẫu xe cùng thời điểm, McLaren F1 mang thiết kế giàu tính khí
động học hơn nhiều mẫu xe thương mại khác. Đặc biệt, chiếc xe có thiết
kế ấn tượng với 3 chỗ ngồi, với ghế người lái đặt ở vị trí trung tâm.
Khả năng vận hành của McLaren F1 còn được chứng minh thông qua hàng loạt
giải thưởng tại nhiều chặng đua.
Tổng cộng 106 chiếc McLaren F1 các phiên bản đã được sản xuất, và chiếc xe vẫn giữ kỷ lục là mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong hút khí tự nhiên nhanh nhất thế giới. Phong cách thiết kế 3 chỗ ngồi đã được McLaren tri ân khi xuất hiện trên siêu phẩm Speedtail. Có thể nói, thành công của McLaren F1 chính là niềm cảm hứng và động lực để thương hiệu tiếp tục phát triển như ngày hôm nay.
Mang di sản của Bruce McLaren đến với kỷ nguyên mới
Những di sản và mong ước của nhà sáng lập thương hiệu vẫn còn đó, và McLaren Automotive đã tri ân ông bằng mẫu xe Elva. Siêu phẩm mang phong cách speedster này được lấy cảm hứng từ những mẫu xe đua M1A, M1B và M1C, vốn từng được ông sản xuất từ năm 1964-1967. Tên gọi Elva xuất phát từ tiếng Pháp "elle va" (she goes - tạm dịch "cô ấy lướt đi"). Có thể nói, khi ngồi sau vô lăng chiếc Elva, người lái có thể trải nghiệm chính xác cảm giác của một tay đua thực thụ, đúng với mong ước của ông khi sinh thời.
Tầm nhìn trực tiếp không qua bất kỳ
tấm kính chắn gió hay cột A, thậm chí người lái và hành khách phải đội
nón bảo hiểm… là những trải nghiệm không phải mẫu xe nào cũng mang lại
được. Thậm chí, để tối ưu khối lượng của chiếc xe, McLaren còn lược bỏ
cả hệ thống âm thanh. Tuy nhiên, hãng vẫn cung cấp tùy chọn lắp đặt thêm
kính chắn gió hay hệ thống âm thanh để đáp ứng được những yêu cầu pháp
lý từ một số quốc gia. Mang đến sức mạnh cho Elva chính là khối động cơ
V8 dung tích 4.0L, được nâng cấp trực tiếp từ chiếc 720S. Công suất của
xe cũng được tăng từ 720 lên 815 mã lực. McLaren chỉ sản xuất giới hạn
149 chiếc Elva trên toàn cầu.
Thừa hưởng công nghệ từ những thánh đường tốc độ
Với
sự góp mặt trong nhiều giải đua khác nhau, McLaren Automotive đã đầu tư
và nghiên cứu nhiều công nghệ cho các mẫu xe đua. Đa số những công nghệ
này đã và đang được áp dụng trên nhiều mẫu xe thương mại được McLaren
Automotive phân phối.
Một trong những chi tiết đặc biệt dễ dàng nhận ra đó chính là hệ thống khí động học chủ động với cánh gió sau kích thước lớn. Cơ cấu hoạt động tương tự hệ thống DRS trên các mẫu xe F1, vừa là một phanh gió chủ động khi cần thiết. Ngoài ra, các công nghệ đặc thù như khung gầm sợi carbon, hệ thống động cơ hybrid… cũng được thương hiệu áp dụng trên các thiết kế mới nhất của mình.
Mọi chiếc McLaren đều sở hữu khung gầm sợi carbon
Sợi carbon và ứng dụng của chất liệu này là một trong những ưu điểm của McLaren được thừa hưởng từ những giải đua. Tuy được biết đến từ thế kỷ 19, nhưng phải đến giữa thế kỷ 20 con người mới chú ý đến đặc tính ưu việt của sợi carbon. Với sức bền đáng kinh ngạc, chất liệu này được ứng dụng lần đầu trong ngành hàng không vũ trụ. Cùng sự phát triển ngày càng tiến bộ, sợi carbon dễ dàng được tiếp cận đối với nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi.
McLaren là một trong những hãng xe
tiên phong khi lần đầu tiên sử dụng sợi carbon để làm khung gầm cho mẫu
xe đua F1 McLaren MP4/1. Và kể từ thời điểm đó, tất cả mọi mẫu xe
McLaren đều có một đặc điểm chung là khung gầm được chế tác từ sợi
carbon. Cấu trúc này mang đến khả năng tinh giảm khối lượng tuyệt vời,
một cảm giác lái độc nhất vô nhị, sức bền tối ưu trong mọi hoàn cảnh
cũng như độ an toàn cho người lái và hành khách. Không dừng lại ở kết
cấu này, McLaren còn đem lên những phiên bản thương mại các công nghệ
được dày công nghiên cứu và thử nghiệm trực tiếp ngay tại đường đua, một
đặc điểm không phải thương hiệu nào cũng có điều kiện tương tự.
Công nghệ hybrid - chìa khóa thành công của McLaren trong thế kỷ mới
Vào
năm 2010, McLaren Automotive chính thức được khai sinh sau khi tách ra
từ McLaren Racing. Dự án đầu tiên của hãng, chiếc MP4-12C (hay được biết
với tên gọi 12C), là mẫu xe đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn
toàn bởi McLaren Automotive. Tuy nhiên, gây tiếng vang nhất là sự ra đời
của siêu phẩm McLaren P1 vào năm 2013.
Đây là mẫu xe đầu tiên của thương hiệu được trang bị động cơ đốt trong V8 và động cơ điện McLaren E-Motor. Siêu phẩm này có tổng công suất lên đến 916 mã lực. Sau gần 10 năm, McLaren P1 vẫn chứng tỏ đây là hướng đi hiệu quả của thương hiệu với giá trị bán lại trị giá hàng triệu USD. Công nghệ và thiết kế của P1 vẫn được áp dụng trên nhiều mẫu xe tương lai của McLaren.
Mẫu xe McLaren thứ 2 được ứng dụng công nghệ hybrid là Speedtail, được giới thiệu lần đầu vào tháng 10/2018. Chiếc xe được lấy cảm hứng từ siêu phẩm McLaren F1, bao gồm thiết kế đặc trưng 3 chỗ ngồi. Cùng phát triển trên nền tảng 720S như Elva, Senna và Sabre, Speedtail được bổ sung thêm công nghệ hybrid với động cơ điện 310 mã lực. Kết hợp với động cơ đốt trong V8, chiếc xe có tổng công suất lên đến 1.050 mã lực. Chỉ 106 chiếc Speedtail được sản xuất cùng mức giá khởi điểm hơn 2,7 triệu USD.
Thấy được tiềm
năng của công nghệ hybrid trong kỷ nguyên mới, McLaren Automotive chính
thức trang bị công nghệ hybrid trên mẫu xe thương mại sản xuất số lượng
lớn đầu tiên - Artura. Thay thế cho 570S, Artura mang phong cách thiết
kế đậm chất tương lai. Được phát triển trên khung gầm MCLA (McLaren
Carbon Lightweight Architecture) hoàn toàn mới, Artura sở hữu động cơ
điện Axial Flux E-Motor với công suất tối đa 95 mã lực cùng bộ pin điện
lithium-ion 7.4 kWh, cho phép chiếc xe di chuyển một quãng đường tối đa
30 km hoàn toàn bằng điện. Đây cũng là mẫu McLaren đầu tiên sở hữu động
cơ đốt trong V6 dung tích 3.0L mạnh 585 mã lực. Tổng hợp lại, Artura có
công suất lên đến 680 mã lực, cùng khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ
trong 3 giây, trước khi đạt vận tốc tối đa 330 km/h.
Những thiết kế truyền tải tinh thần của đường đua
Hiện
tại, McLaren Automotive đang phân phối nhiều mẫu xe thể thao hiệu suất
cao, được phân bổ trong các phân khúc: GT, Supercars và Ultimate. Những
mẫu xe đã ngừng sản xuất sẽ được góp mặt trong bộ sưu tập Legacy.
Phân khúc mới nhất của McLaren là GT, với sự góp mặt duy nhất của chiếc McLaren GT. Đây cũng là mẫu grand tourer đầu tiên của thương hiệu đến từ Woking, sau hàng loạt các mẫu xe thể thao hầm hố đã ra mắt trước đó. Phát triển trên nền tảng 720S, McLaren GT sở hữu ngôn ngữ thiết kế thanh lịch với nhiều tùy chọn tiện nghi, nhất là khoang hành lý phía trước 150 lít, và khoang hành lý phía sau được mở rộng lên đến 420 lít. Theo các chuyên gia, McLaren GT sẽ là một biến số tiềm năng trong phân khúc xe hiệu suất cao mang phong cách sang trọng trên toàn cầu.
Được đổi tên từ Super Series, phân khúc Supercars hiện nay là nền tảng phát triển của McLaren với 2 mẫu xe thể thao 720S và 720S Spider. Đây cũng là những phiên bản được nhiều người sưu tập xe tại Việt Nam ưu chuộng và trở thành một xu hướng mới trên đất nước hình chữ S. Bản nâng cấp 765LT và 765LT Spider được thừa hưởng những thiết kế tinh hoa "LongTail" của huyền thoại McLaren F1, mang trong mình những công nghệ mới nhất mà McLaren nghiên cứu và phát triển được.
Và thật thiếu sót nếu như không nhắc đến chiếc Artura, mẫu xe thể thao hybrid thương mại sở hữu những công nghệ lần đầu tiên xuất hiện như động cơ tăng áp V6, hệ thống động cơ điện cùng cấp số lùi đặc biệt. Hơn thế nữa, McLaren 720S nói riêng và phân khúc Supercars là bước đệm để McLaren phát triển các siêu phẩm thuộc phân khúc Ultimate.
Là những siêu phẩm được mong chờ và khao khát với số lượng cực kỳ giới hạn, dòng xe Ultimate của McLaren bao gồm những cái tên đình đám như Senna, Senna GTR, Speedtail, Elva, Sabre. Mỗi chiếc xe là một câu chuyện đầy cảm hứng, cũng như là tâm huyết của toàn bộ tập thể McLaren Automotive. Không chỉ là một cỗ máy tốc độ, những chiếc xe thuộc phân khúc Ultimate còn là chứng nhân cho quá trình phát triển của thương hiệu, cũng như toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi thế giới. Do đó, không khó hiểu khi sự khao khát và giá trị của những mẫu xe này tăng dần theo thời gian.