McLaren P1: 10 năm của siêu xe tiên phong hybrid hiệu suất cao

McLaren đang kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt phiên bản thương mại của McLaren P1. Xuất hiện tại Geneva Motor Show 2013, chiếc siêu xe vô cùng nổi bật này là một cột mốc quan trọng với cả McLaren và sự phát triển của các loại xe hybrid hiệu suất cao sau này, gần đây nhất có thể kể đến mẫu Mclaren Artura hoàn toàn mới.

Được tạo ra với mục đích trở thành "chiếc xe tốt nhất thế giới dành cho người lái trên cả đường phố lẫn đường đua", thiết kế và thông số kỹ thuật của McLaren P1 đã trở thành nền tảng lý tưởng để thực hiện tham vọng này của hãng siêu xe Anh Quốc. Một loạt thành tựu thử nghiệm và phát triển trong năm 2013 đã ngay lập tức thể hiện khả năng và sức mạnh đặc biệt của chiếc xe, bao gồm cả việc chinh phục  đường đua Nurburgring Nordschleife khắc nghiệt.

McLaren P1

McLaren P1 sử dụng hệ truyền động hybrid kết hợp giữa động cơ tăng áp kép M838TQ 3.8L V8 công suất 737 mã lực và động cơ điện cỡ nhỏ công suất 179 mã lực, cung cấp tổng công suất 916 mã lực. Sự kết hợp này mang lại mức hiệu suất mà đến bây giờ thực sự vẫn còn đáng kinh ngạc: chiếc xe tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 2,8 giây, 0-200 km/h trong 6,8 giây và 0-300 km/h trong 16,5 giây - nhanh hơn 5 giây so với huyền thoại McLaren F1. Tốc độ tối đa 350 km/h đã làm tăng thêm sức hấp dẫn và danh tiếng cho McLaren P1, nhưng chính phản ứng bướm ga và mô-men xoắn ngay tức thời mới là điểm hoàn toàn thuyết phục khi nói việc điện khí hóa có thể nâng cao hiệu suất của hệ truyền động tăng áp hiện đại.

Bên cạnh hệ thống truyền động lai giữa xăng và điện, siêu phẩm đầu tiên của dòng xe McLaren Ultimate Series còn sở hữu hai điểm mạnh thương hiệu khác là trọng lượng xe thấp và tính khí động học vượt trội.

Hệ khung gầm liền khối MonoCage bằng sợi carbon với phần mái ở trung tâm của McLaren P1 được phát triển từ cấu trúc MonoCell sử dụng trong siêu xe 12C của hãng và là chìa khóa để tối ưu khối lượng của một chiếc xe. Nhờ đó, P1 có trọng lượng khô rất nhẹ chỉ dừng ở mức 1.395 kg, trọng lượng DIN là 1.490 kg.

Và một lần nữa, ưu tiên giảm thiểu trọng lượng này vẫn được thể hiện rõ ràng trong thời đại ngày nay, với các chiến lược tương tự áp dụng trong mẫu siêu xe hybrid hiệu suất cao Artura 2023. Dù đây là phiên bản sản xuất hàng loạt, Artura cũng chỉ có trọng lượng DIN là 1.498 kg.

McLaren P1

Các chi tiết làm từ sợi carbon ở phần thân của P1 gồm phần ngoạm lớn ở đầu xe, các tấm nẹp đơn phía trước và phía sau được gắn vào cấu trúc MonoCage trung tâm, hai nắp chắn nhỏ ở phía sau, nắp capô phía trước và hai cửa. Tổng trọng lượng phần này chỉ có 90 kg, tuy các tấm cực kỳ mỏng nhưng rất chắc chắn. Hệ thống pin hybrid của xe, được gắn thấp bên trong MonoCage, chỉ nặng 96 kg. Bên cạnh đó, McLaren P1 không sử dùng hệ thống cách âm và thảm trải sàn vì trọng lượng của nó không cần thiết. Phần kính cũng được thiết kế lại để giảm trọng lượng với phần kính mái siêu nhẹ được cường lực bằng hóa chất và chỉ dày 2,4 mm. Kính chắn gió chỉ dày 3,2 mm, gồm một lớp xen kẽ bằng nhựa, giúp tiết kiệm 3,5 kg vào thời điểm đó so với loại dày 4,2 mm trên 12C.

Với thiết kế ưu tiên đặc biệt cho hiệu suất khí động học, McLaren sử dụng cánh gió lớn điều chỉnh tự động ở đuôi của P1, nó có thể mở rộng về phía sau lên đến 300 mm khi vận hành trên đường đua và 120 mm trên đường trường thông thường. Cách thức hoạt động này của cánh gió được phát triển bằng cách sử dụng một phần mềm và phương pháp tương tự như ở đội đua McLaren Formula 1. Một hệ thống giảm lực cản (DRS) được tích hợp vào thiết kế của McLaren P1 để tạo lực ép downforce phù hợp và tăng tốc độ trên đường thẳng, đạt được thông qua độ nghiêng của cánh gió sau, thay vì sử dụng một cánh có thể tháo rời.

Sự kết hợp của mô hình khí động học CFD (tính toán động lực học chất lỏng) và thử nghiệm nhiều giờ trong đường hầm gió tập trung vào hiệu suất khí động học cũng giúp chiếc xe có thể vận hành hiệu quả nhất. Nhờ đó, P1 có thể tạo ra lực ép xuống mặt đường khoảng 600 kg ngay ở những tốc độ thấp hơn so với tốc độ tối đa.

McLaren P1

Là một siêu phẩm mang tính độc bản cao và rất được mong đợi ngay từ thời điểm ra mắt, McLaren P1 đã cháy hàng chỉ sau vài tháng xuất hiện. Quá trình chế tạo chiếc đầu tiên trong số 375 chiếc McLaren P1 được hoàn thành vào tháng 9/2013. Vào thời điểm đó, nó đã trở thành một biểu tượng hiệu suất. Chiếc xe cuối cùng xuất xưởng theo đặt hàng được hoàn thành vào tháng 12/2015 với lớp sơn màu cam ánh ngọc trai hút mắt, màu này có được thông qua quy trình pha màu độc đáo từng xuất hiện trên các mẫu McLaren khác với tên gọi Volcano Orange.

10 năm sau khi xuất hiện tại Geneva Motor Show, trùng thời điểm McLaren kỷ niệm 60 năm ngày Bruce McLaren thành lập công ty, McLaren P1 vẫn là một siêu phẩm cực kỳ thú vị và linh hoạt trên cả đường phố lẫn đường đua.

Những gì McLaren P1 làm được đã vượt ra ngoài vị thế mang tính biểu tượng của nó trong dòng xe công nghệ tiên tiến, tập trung vào người lái của McLaren. Là tiền thân của điện khí hóa với vai trò thu hút để thúc đẩy sự tham gia, McLaren P1 đã thay đổi nhận thức về công nghệ, truyền cảm hứng cho Artura, một mẫu siêu xe kết hợp giữa hiệu suất phấn khích và cảm giác lái thú vị với trải nghiệm lái EV. Đây là một sự kết hợp chiến thắng được tiên phong bởi McLaren P1.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe