Chia sẻ nền tảng khung gầm không phải là một xu hướng mới. Nó diễn ra từ trước Thế chiến 2, nhưng chỉ mới được triển khai chủ yếu tại 3 hãng xe lớn nhất của Mỹ là GM, Ford và Chrysler. Vào những năm 1940, GM là một trong những hãng đầu tiên phát triển 4 nền tảng đóng vai trò hỗ trợ cho mọi chiếc ô tô của tập đoàn.
Sáng kiến kỹ thuật này nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Với nguồn tài nguyên khan hiếm ở hầu hết các nước Châu Âu và Châu Á, các hãng xe đã tìm cách phát triển và sản xuất ô tô với giá rẻ nhất có thể để tái khởi động nền kinh tế. Điều này dẫn đến sự ra đời của một số loại xe thực dụng, giá rẻ mang tính biểu tượng như OG Mini, Citroen 2CV, Fiat 500 và VW Beetle. Khi các thương hiệu mở rộng, nền tảng khung gầm của 3 trong số 4 chiếc xe trên đã được sử dụng cho các mẫu xe khác.
Lý do duy nhất khiến việc dùng chung nền tảng gần đây nghe có vẻ mới mẻ là vì chúng ta có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin ở quy mô lớn hơn. Trước khi có internet, việc che giấu những thông tin như vậy dễ dàng hơn nhiều. Và hiện nay, có thể nói ai cũng biết rằng Toyota Tacoma, Tundra, Sequoia và Land Cruiser đều dùng chung một nền tảng cơ bản giống nhau.
Ưu điểm của việc chia sẻ nền tảng
Việc chia sẻ nền tảng khung gầm và các bộ phận khác không chỉ giới hạn ở các thương hiệu cùng tập đoàn như Toyota và Lexus. Các hãng xe thường sẽ tìm kiếm các nhà sản xuất có mục tiêu chung và tiến hành hợp tác cùng nhau. Những ví dụ đầu tiên và nổi tiếng nhất là BMW Z4 và Toyota Supra hay Subaru BRZ và Toyota GR86. Việc này thường gặp nhiều phản đối, nhưng cũng mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho nhà sản xuất mà còn cho cả khách hàng của họ.
1. Tiết kiệm chi phí và sẵn có các bộ phận tốt hơn
Toyota Tacoma mới được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm TNGA-F hiện có của Toyota, nền tảng mô-đun này xuất hiện ở hầu hết các mẫu SUV và xe tải của thương hiệu Nhật Bản. Tacoma cũng dùng chung động cơ 2.4L 4 xi-lanh tăng áp với một số mẫu xe Toyota khác, chưa kể hàng trăm bộ phận nhỏ có mặt trên tất cả các dòng xe.
Việc sử dụng những bộ phận sẵn có sẽ
giúp giảm một phần chi phí không nhỏ khi phát triển sản phẩm mới, và
trong trường hợp này, Toyota đã áp dụng cho tất cả các bộ phận cơ khí
chính. Chi phí phát triển thấp hơn giúp Toyota có thể đưa ra giá tốt hơn
cho khách hàng, vậy nên Tacoma mới không đắt hơn là bao so với thế hệ
cũ dù mạnh mẽ, tiện nghi và tiên tiến hơn.
Nhờ việc chia sẻ,
nguồn cung cấp các bộ phận có sẵn sẽ lớn hơn nhiều. Trước đây, Tacoma
được trang bị động cơ GR-FKS 3.5L V6, loại động cơ này đã bị loại bỏ dần
theo thời gian. Giờ đây, nó dùng chung động cơ với ít nhất 4 mẫu xe
khác nên sẽ luôn có đủ nguồn cung cấp linh kiện.
2. Chất lượng tốt hơn và khả năng thích ứng toàn cầu
Chia sẻ nền tảng, động cơ cùng các bộ phận thân xe cũng giúp đội ngũ kỹ sư có thể tập trung toàn bộ sự chú ý vào phần chuyên biệt hơn mà không tạo ra biến đổi nào, đồng nghĩa rằng mức độ chất lượng tổng thể cũng tăng lên.
Quá trình chia sẻ còn cung cấp cho các thương hiệu rất nhiều dữ liệu để phát triển trước khi giới thiệu một mô hình hoàn toàn mới. Land Cruiser được trang bị động cơ tăng áp 2.4L 4 xi-lanh T24A-FTS ở các phiên bản có hoặc không có hỗ trợ hybrid. Động cơ này ra mắt lần đầu trên Lexus NX vào năm 2021, vì vậy Toyota đã có dữ liệu và thông tin phản hồi trong 3 năm để hoàn thiện sản phẩm của mình hơn nữa.
Trước khi việc chia sẻ nền tảng phổ biến, một số nơi trên thế giới đã phải bỏ lỡ những sản phẩm tốt. Chia sẻ các linh kiện giúp việc tinh chỉnh các dòng xe cho từng thị trường khác nhau trên quy mô toàn cầu trở nên dễ dàng hơn. Toyota gần đây đã có thể xuất khẩu mẫu Tundra sang Úc, đây là điều mà người dân xứ chuột túi đã mong chờ trong nhiều năm. Nhờ nền tảng mới và động cơ dùng chung, việc chuyển đổi tay lái của mẫu xe này sang bên phải cùng những thay đổi nhỏ khác cho thị trường khác biệt trên cũng dễ thực hiện hơn. Điều này cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho Toyota.
3. Tạo ra nhiều sản phẩm thú vị hơn
Nếu Toyota phải chế tạo các mẫu xe mới từ bản vẽ, thì Land Cruiser cũng như Supra mới có thể sẽ không tồn tại, và Toyota sẽ không có sản phẩm để đối đầu với Jeep Wrangler hay Ford Bronco, bảng tên Supra mang tính biểu tượng cùng các cái tên khác cũng sẽ nằm im trong kho.
Nhưng nhờ chia sẻ nền tảng, cả hai mẫu xe trên đều tồn tại với nhiều biến thể. Người dùng vẫn có thể sở hữu một chiếc Supra trang bị hộp số sàn, đây là một luồng gió mới trong một thế giới mà hầu hết các nhà sản xuất ô tô đang dần bỏ loại hộp số này. Dù cho có không ít ý kiến trái chiều khi Supra được trang bị nội thất như một chiếc BMW, nhưng liệu rằng khách hàng sẽ muốn hồi sinh dòng xe thể thao này với nội thất BMW hơn hay là không có chiếc Supra mới nào hơn?
Mặt trái của việc chia sẻ nền tảng
Đương nhiên, việc chia sẻ nền tảng cũng có một số yếu điểm, và một số thuộc tính tiêu cực có thể xuất hiện khi việc chia sẻ nền tảng bị phụ thuộc quá nhiều.
1. Các tùy chọn bị hạn chế
Supra được hồi sinh nhờ chia sẻ nền tảng khung gầm và động cơ với BMW Z4, nhưng giới mộ điệu vẫn mong muốn thấy dòng xe thể thao huyền thoại được trang bị động cơ 2JZ nổi tiếng của Toyota, đây không chỉ là một trong những động cơ ổn định và bền bỉ nhất từng được sản xuất mà còn là một trong những động cơ được yêu thích nhất trong cộng đồng ô tô. Nó đã ngừng sản xuất, nhưng liệu Toyota có khó khăn đến thế để tìm ra số liệu thiết kế và cập nhật động cơ này cho những sản phẩm hiện đại?
Rất tiếc nhưng câu trả lời là có. Nếu chọn sử dụng động cơ này, Toyota sẽ phải làm việc trên nền tảng hiện có và việc thiết kế lại nó để phù hợp với động cơ mới, điều này tiêu tốn hàng triệu USD. Dây chuyền sản xuất cần những công cụ mới và công nhân nhà máy cũng cần được đào tạo. Nếu Toyota làm theo cách riêng của mình thì Supra mới sẽ có giá đắt hơn rất nhiều. Thay vào đó, Supra và Z4 được lắp ráp cùng nhau tại nhà sản xuất ô tô Magna Steyr có trụ sở tại Graz, Áo. Dù được phát triển chung với nhau, nhưng cả hai chiếc xe đều mang màu sắc riêng biệt, đặc trưng của từng thương hiệu.
2. Không nhận được ủng hộ sau khi ra mắt
Trường hợp điển hình nhất về việc chia sẻ nền tảng thất bại trầm trọng là Jaguar X-Type. Để đạt được những đặc điểm tích cực của việc chia sẻ nền tảng, các hãng cần tạo được cá tính riêng giữa các loại xe khác nhau chứ không phải là những chiếc xe giống hệt nhau và chỉ đổi logo. Toyota đã làm rất tốt việc này, đảm bảo Land Cruiser mới không bị chồng chéo phân khúc với Sequoia.
X-Type thất bại nặng nề vì nhiều lý do, nhưng rõ ràng nhất là do dùng chung quá nhiều thành phần với Ford Mondeo, được bán ở Mỹ với tên Fusion. X-Type sử dụng cùng nền tảng, động cơ và hộp số như Mondeo, dù có thiết kế lại thân xe và nội thất nhưng giá chào bán của Jaguar lại quá cao. Giá khởi điểm của X-Type là 35.000 USD vào năm 2008, trong khi một chiếc Mondeo với cùng động cơ V6 và hệ thống treo linh hoạt được bán với giá 22.000 USD. Khách hàng không mấy vui vì điều này và X-Type đã thất bại hoàn toàn.
3. Thu hồi hàng loạt
Tháng 2/2024, Toyota và Lexus đã thu hồi hàng trăm nghìn xe ở Mỹ. Các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm Toyota Tundra, Tundra Hybrid, Sequoia và Lexus LX 600. Tất cả những chiếc xe này đều được trang bị cùng một động cơ cơ bản và hộp số tự động 10 cấp, và trong trường hợp này, chính hộp số do Aisin cung cấp đã khiến những chiếc xe bị triệu hồi. Các bộ phận truyền động không nhả ra ngay lập tức khi chuyển sang số N, nghĩa là động năng vẫn có thể tiếp tục được truyền đến bánh xe, khiến xe tự động lao về phía trước.
Đây là một nhược điểm trong việc chia sẻ nền tảng và cơ khí, dẫn đến việc Toyota phải đối mặt với loạt báo chí tiêu cực và hàng nghìn khách hàng tức giận. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lỗi lớn nhất mà một nhà sản xuất ô tô có thể phạm phải.
Chia sẻ nền tảng so với việc sử dụng nhiều logo trên một chiếc xe
Có thể xem việc một nhà sản xuất sử dụng logo hoặc thương hiệu khác lên một sản phẩm đã có và kinh doanh chúng như một model hoàn toàn khác là "người anh em lười biếng" của việc chia sẻ nền tảng. Đó là khi một nhà sản xuất ô tô thậm chí không hề nỗ lực hết sức để tạo ra cá tính riêng cho các loại xe khác nhau dựa trên cùng một nền tảng.
Chevrolet TrailBlazer, GMC Envoy, Isuzu Ascender, Oldsmobile Bravada và Saab 9-7X đều cùng được xây dựng trên nền tảng GMT360. Trong số những cái tên kể trên, thương hiệu Thụy Điển luôn được biết đến với phong cách khác biệt, nhưng khi giới thiệu chiếc 9-7X kém hấp dẫn, những khách hàng trung thành của họ đã khó lòng bỏ qua cho chiếc xe này.
Ví dụ thứ hai đến từ GM. Họ đã mua lại hãng xe Daewoo của Hàn Quốc ngay sau khi phá sản. Daewoo được cho là thiết kế ô tô kém chất lượng, đó là lý do tại sao họ bị phá sản. Tuy nhiên, thay vì đổ thêm tiền vào thiết kế, Chevrolet chỉ gỡ bỏ huy hiệu Daewoo và gắn logo nổi tiếng của mình lên vị trí đó.
Nhưng trường hợp tệ nhất chính là Honda Crossroad. Từ lâu khi nghĩ về Honda, khách hàng sẽ nghĩ đến độ an toàn và ổn định. Khi nghĩ về Land Rover, độ tin cậy thậm chí còn không xuất hiện. Vậy tại sao Honda lại lấy mẫu Discovery Series 1 và gắn logo của mình lên đó thay vì hợp tác với Land Rover để phát triển một mẫu xe địa hình thực thụ?
Có tin đồn rằng Honda đã phải mất ít nhất 2 ngày để khắc phục các sự cố cơ bản của Discovery trước khi Crossroad được phép bán ra tại các đại lý, nhưng ngay cả kỹ thuật viên của Honda cũng không thể xử lý được các ảnh hưởng. Crossroad chính là chiếc Honda sử dụng động cơ V8 duy nhất từ trước đến nay, đó cũng là điểm đặc biệt duy nhất của mẫu xe này.