Nhân kỉ niệm 120 năm thành lập, series "Những nhà kiến tạo thương hiệu Rolls-Royce" được viết nên để giới thiệu về những nhân vật đóng vai trò cốt lõi trong câu chuyện lịch sử của thương hiệu. Và đã nhắc đến cốt lõi, không thể không kể đến Henry Royce - một trong hai nhà sáng lập thương hiệu - người đàn ông với hành trình phi thường, từ một cậu bé xuất thân nghèo khổ đến ông chủ của một đế chế ô tô kỹ thuật khổng lồ trong thế kỷ 20.
Frederick Henry Royce sinh ngày
27/3/1863 tại Alwalton, gần Peterborough. Ông là đứa con út trong gia
đình gồm 5 anh chị em đang gặp khó khăn nghiêm trọng về vấn đề tài
chính: bố của Henry bị tuyên bố phá sản và theo luật lúc bấy giờ phải
ngồi tù. Cuộc sống thơ ấu nghèo khổ đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách
và sức khỏe của ông trong suốt quãng đời còn lại.
Năm 10 tuổi,
Royce bắt đầu đi làm tại London với công việc đầu tiên là cậu bé giao
báo và sau đó là cậu bé giao thư. Năm 1877, với sự hỗ trợ tài chính từ
người cô, ông được đưa vào học nghề tại xưởng đường sắt Great Northern
Railway (GNR) ở Peterborough. Năng khiếu bẩm sinh về thiết kế và đôi tay
linh hoạt với các máy móc đã sớm được bộc lộ rõ. Bộ ba chiếc xe cút kít
thu nhỏ mà ông tự chế tạo từ những đống sắt vụn đã thể hiện chính xác
tài năng và châm ngôn của ông đặt ra trong sự nghiệp, đó là không ngừng
sáng tạo từ những thứ đang có.
Tuy nhiên may mắn không mỉm cười
với ông lâu dài khi chỉ mới ổn định được 2 năm, người cô lại gặp khó
khăn về tài chính và không thể tiếp tục chi trả tiền học việc cho ông.
Royce đành quay về lại London và đến tận 2 năm sau, năm 1881, ông mới
được nhận vào làm tại công ty sản xuất điện Electric Lighting &
Power Generating Company (EL&PG). Ngành điện lúc bấy giờ vẫn còn rất
mới, chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này vì vậy
các công ty cũng không đòi hỏi về bằng cấp. Đối với Royce, người chỉ mới
được học những lớp cơ bản nhất, thật sự là một cơ hội vô giá.
Niềm
đam mê của ông đối với lĩnh vực, đạo đức nghề nghiệp nghiêm túc và
không ngừng nỗ lực học tập (tự đăng ký vào các lớp học văn và toán sau
giờ làm) đã giúp ông vào năm 1882, được công ty EL&PG, lúc bấy giờ
đổi tên thành Maxim-Weston Electric, cử sang làm quản lý cho các công
trình lắp đặt đèn đường và nhà hát tại Liverpool. Tuy nhiên, một lần nữa
may mắn lại không đến với ông lâu dài khi công ty phá sản và Royce lúc
này chỉ mới 19 tuổi, tiếp tục trở thành một người thất nghiệp.
Cuối
năm 1884, ông thành lập công ty F H Royce & Co tại Manchester. Ban
đầu, công ty chỉ sản xuất những sản phẩm nhỏ như chuông cửa chạy bằng
pin, đuôi đèn, cầu chì. Sau đó, công ty mở rộng và chuyển sang sản xuất
những cần cẩu trên cao, trục chuyển hướng cho các đường sắt và vài thiết
bị công nghiệp nặng khác.
Năm 1901, sau nhiều năm làm việc quá
sức và cuộc sống gia đình căng thẳng đã khiến sức khỏe của ông, vốn có
lẽ đã suy yếu do thiếu thốn ngày thơ ấu, càng bị suy giảm nặng nề. Vấn
đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi làn sóng đồ điện nhập khẩu giá rẻ
tràn vào nước Anh khiến các sản phẩm của công ty bị hạ giá, khó khăn về
tài chính bắt đầu xuất hiện tại công ty. Là một người cầu toàn, Royce
không muốn cắt giảm chất lượng cho các sản phẩm của mình và căng thẳng
kéo dài đến năm 1902, lúc này sức khỏe của ông đã sụp đổ hoàn toàn.
Bác
sỹ của Royce yêu cầu ông cần tập trung nghỉ ngơi và dành thời gian đi
nghĩ dưỡng cùng gia đình. Trên chuyến nghĩ dưỡng kéo dài 10 tuần đến Nam
Phi, ông vô tình đọc được cuốn sách mới xuất bản: The Automobile - Its
Construction and Management (tạm dịch: Ô tô - Cấu trúc và Cơ chế hoạt
động). Những gì ông học được từ cuốn sách đã thay đổi không chỉ cuộc đời
ông mà còn thay đổi cả thế giới.
Trên đường trở về nước Anh, sau khi đã hồi phục về mặt sức khỏe, Royce bắt tay vào chế tạo chiếc xe đầu tiên, chiếc 10 mã lực Decauville. Các câu chuyện thường diễn ra theo kiểu sản phẩm đầu tiên sẽ có xuất phát điểm rất tệ và từ đó nhân vật chính mới lấy động lực để phát triển nhiều hơn. Tuy nhiên đối với Royce, ngay từ đầu ông đã chọn chiếc Decauville, chiếc xe tốt nhất bấy giờ mà ông có thể sở hữu, biến nó trở nên tốt hơn như câu nói huyền thoại mà ông vẫn thường để lại cho đời sau: "Tận dụng những gì tốt nhất của hiện tại và làm cho nó tốt hơn".
Ông bắt tay vào chế tạo 3 chiếc xe 10 mã lực với 2 xi-lanh, dựa trên mẫu thiết kế của Decauville. Với những động cơ cơ bản sẵn có, ông tiếp cận chiếc xe theo một cách mới, chú trọng nhiều hơn vào các chi tiết và theo đuổi sự hoàn hảo trong từng thiết kế nhỏ, vẽ nên những chiếc xe mới đánh dấu một cột mốc sự nghiệp mà lúc này ông còn chưa dám nghĩ đến.
Người đồng nghiệp và cũng là người bạn thân, Henry Edmunds, lúc này ngỏ ý xin mượn chiếc xe 10 mã lực của ông để tham gia đường chạy Slide Slip Trials 1.000 dặm tổ chức bởi câu lạc bộ ô tô của Vương quốc Anh & Ireland (sau này là Royal Automobile Club, viết tắt RAC) vào năm 1904. Edmunds đã rất ấn tượng với chiếc xe và cho rằng đây là một sản phẩm nội địa Anh chất lượng cao mà người bạn cùng câu lạc bộ của ông đang tìm kiếm để bày bán tại đại lý mới mở ở London. Người bạn cùng câu lạc bộ này, tất nhiên, đó chính là Charles Stewart Rolls.
Với tư cách là người phụ trách chính về mặt kỹ thuật trong mối quan hệ hợp tác mới, các sản phẩm của Royce phát triển không ngừng và đáng kinh ngạc. Từ khi thành lập công ty vào năm 1904 cho đến khi qua đời vào năm 1933, ông đã luôn là người đứng đầu và đích thân tạo ra ý tưởng cho mọi bộ phận cơ khí trong từng chiếc xe Rolls-Royce. Là một kỹ sư có trực quan bẩm sinh về kỹ thuật, ông có một khả năng rất ấn tượng đó chính là đánh giá các bộ phận hoàn toàn bằng mắt. Một khi ông đã cho rằng điều đó là đúng thì hầu hết nó luôn đúng, còn nếu không, ông sẽ nhất định chứng minh cho bằng được đó là điều đúng.
Khi nhu cầu tăng lên và bản thân những chiếc ô tô động cơ cũng ngày càng trở nên phức tạp, Royce đã thành lập một nhóm chuyên về thiết kế, hoạt động dựa trên phương châm là "Vứt bỏ, thay thế, cải tiến và tinh chỉnh". Mọi thứ mà nhóm thiết kế đưa ra sẽ có hai kết cục, một là bị từ chối và sẽ phải làm lại từ đầu, hai là chỉ một mình Royce mới có quyền phê duyệt. Khác với ngành sản xuất ô tô hiện đại, nơi những mẫu xe được thay đổi và cập nhật theo những khoảng thời gian xác định, Royce liên tục cải tiến các sản phẩm của mình mà không có bất kỳ một thông báo trước nào. Những cải tiến này rất nhỏ, có khi là một vòng đệm ở đây, có khi là một cái kẹp ở kia, nhưng vì vậy, hầu như không có hai chiếc Rolls-Royce nào giống y hệt nhau, chiếc sau tốt hơn chiếc trước. Với cách làm việc này, kết hợp với sự cầu toàn trong mọi việc ông làm và giám sát, đã biến Rolls-Royce trở thành những chiếc xe có thể nói đạt đến mức độ hoàn hảo nhất về mặt cơ khí dựa trên kiến thức và công nghệ lúc bấy giờ.
Một điều đáng nói đó chính là Royce chưa bao giờ thiết kế một chiếc ô tô hoàn chỉnh. Cho đến tận năm 1949, Rolls-Royce chỉ sản xuất các khung gầm lăn, được trang bị động cơ và hệ thống truyền động, sau đó sẽ do một thợ đóng xe chuyên nghiệp chế tạo nên thân xe theo các thông số kỹ thuật của khách hàng. Tuy nhiên, phần khung gầm lăn này cũng đã bao gồm vách ngăn (tấm ngăn khoang động cơ với cabin hành khách) và bộ tản nhiệt, xác định một phần tỷ lệ đáng kể trên tổng thể chiếc ô tô hoàn thiện.
Là một người đàn ông nghị lực cao, hoặc có nhiều người còn đùa rằng ông bị ám ảnh cưỡng chế, tuy là thế nào thì Royce cũng đã sử dụng bộ óc tỉ mỉ, niềm đam mê học hỏi và khao khát làm việc chăm chỉ vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Đó là nét đặc trưng trân quý của Royce và chính nét đặc trưng này sẽ mãi luôn truyền cảm hứng cho toàn thể công ty mang tên ông, không chỉ dừng lại ở 120 năm sau mà còn nhiều năm tiếp theo nữa.