Năm 2004, thương hiệu Bugatti hồi sinh và thay đổi thế giới siêu xe hiệu suất cao với Veyron - mẫu hyper sports car mạnh 1.001 mã lực. Sau đó, vào năm 2016, Bugatti mở rộng giới hạn hiệu suất với mẫu xe 1.500 mã lực đầu tiên trên thế giới - Chiron. "Trái tim" của bộ đôi này đều là khối động cơ 8.0L W16 quad-turbo tiên tiến nhất thế giới. Giờ đây, 20 năm sau khi tạo ra những chiếc siêu xe thể thao hiện đại ấy, Bugatti tiếp tục định nghĩa lại khái niệm này một cách trọn vẹn bằng hệ truyền động đặc biệt và nền tảng khung gầm hoàn toàn mới với Tourbillon.
Mate Rimac, CEO Bugatti, chia sẻ rằng sự phát triển của Tourbillon từng bước đều được dẫn dắt bởi hành trình 115 năm của hãng cùng những lời nói của chính Ettore Bugatti. Những phương châm của ông như "nếu có thể so sánh được thì đó không còn là Bugatti nữa" hay "không có gì là quá đẹp" là những chỉ dẫn cho cá nhân Mate Rimac cũng như đội ngũ thiết kế và kỹ thuật đang trên đường tạo ra kỷ nguyên đầy cảm xúc tiếp theo trong câu chuyện về những chiếc siêu xe thể thao của Bugatti.
Rimac cho biết: "Các biểu tượng như Type 57SC Atlantic - mệnh danh là chiếc xe đẹp nhất thế giới; Type 35 - chiếc xe đua thành công nhất từ trước đến nay; hay Type 41 Royale - một trong những chiếc xe sang trọng đầy cảm hứng nhất mọi thời đại, tạo nên ba nguồn cảm hứng chính cho chúng tôi. Vẻ đẹp, hiệu suất và sự xa xỉ đã hình thành nên thiết kế chi tiết của Tourbillon, một chiếc xe thanh lịch hơn, giàu cảm xúc hơn và sang trọng hơn bất cứ chiếc xe nào trước đó. Rất đơn giản, không thể so sánh được. Và cũng giống như những biểu tượng của quá khứ, nó sẽ không chỉ dành cho hiện tại, hay thậm chí cho tương lai, mà là cho vĩnh cửu."
Đây là chiếc Bugatti đầu tiên sau hơn 20 năm không được trang bị động cơ biểu tượng W16 và cũng không được đặt theo tên của các tay đua Bugatti huyền thoại của hãng theo truyền thống nữa. Thay vào đó, cái tên Tourbillon được chọn chính là sự tóm tắt hoàn hảo về cá tính của chiếc xe này. Một từ tiếng Pháp nhẹ nhàng thể hiện sự gắn kết đối với hành trình trên đất nước này của Bugatti và Molsheim, đồng thời Tourbillon là một cơ chế biểu tượng của ngành chế tác đồng hồ thủ công được phát minh bởi thiên tài người Thụy Sĩ sống tại Pháp vào năm 1801. Một sáng tạo độc đáo không gì sánh bằng, vừa phức tạp vừa đẹp mắt, chống lại tác động của trọng lực lên đồng hồ để mang lại độ chính xác cao. Và hơn 200 năm sau, nó vẫn được tôn vinh là đỉnh cao của ngành chế tác đồng hồ cơ khí.
Cảm giác cơ học vượt thời gian này là một phần then chốt trên cuộc hành trình của Bugatti Tourbillon. Đối với một chiếc xe sẽ được trưng bày trong những bộ sưu tập đắt giá của nhiều thế kỷ tới, công nghệ có thể dễ dàng bị lỗi thời, đặc biệt là các màn hình kỹ thuật số lớn, vì vậy mẫu xe cần dùng càng nhiều thành phần vượt thời gian càng tốt. Theo đó, Tourbillon ứng dụng một số kỹ thuật thiết kế và công nghệ không bao giờ lỗi thời, trong đó có cụm đồng hồ cơ được chế tác thủ công và hoàn thiện bởi các thợ đồng hồ Thụy Sĩ với sự tỉ mỉ chỉ có trên những chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới. Giống như những thứ trở thành vật gia truyền qua nhiều thế hệ, Tourbillon được thiết kế như một chiếc xe bất diệt.
Thiết kế và khí động học
Giống như mọi chiếc Bugatti hiện đại, Tourbillon cũng được "định hình bởi tốc độ". Khả năng di chuyển với tốc độ hơn 400 km/h đòi hỏi mọi bề mặt tiếp xúc, cửa hút gió và dầm nóc đều phải được mài giũa tinh xảo không chỉ để tối ưu khí động học mà còn có lợi cho quá trình nhiệt động lực học của xe. Đây là tôn chỉ của Tourbillon, được phát triển xung quanh 4 yếu tố thiết kế lấy cảm hứng từ lịch sử của hãng, gồm lưới tản nhiệt hình móng ngựa, đường cong Bugatti Line ở thân xe, đường gờ nổi trung tâm chạy dọc từ capô đến đuôi xe và đường phân chia hai tông màu.
Frank Heyl, Giám đốc thiết kế của Bugatti, cho biết: "Ettore và Jean Bugatti có những sáng tạo rất khéo léo trong hệ thống khí động học cùng sự phá cách và vẻ đẹp bền bỉ. Chúng tôi đã chắt lọc và lấy cảm hứng từ những chiếc Bugatti huyền thoại, thể hiện rõ nét kỹ năng thiết kế và tầm nhìn của hai nhà sáng lập để tạo nên thiết kế của Tourbillon. Đó là Type 35 với hình dáng thân xe thuôn nhọn dần dựa theo hình dạng của lưới tản nhiệt hình móng ngựa. Hay Type 57SC Atlantic với đầu xe, đường viền mái, ghế lái hạ thấp, tạo ra một tỷ lệ vô cùng khác biệt. Đó là những chi tiết rất quan trọng, chúng tôi đã cẩn thận giữ gìn các hình khối vừa có chức năng vừa hỗ trợ giá trị tỷ lệ của chiếc xe. Nếu xe thấp hơn, nó trông rộng hơn và làm nổi bật kích thước của bánh xe, tạo ra tư thế như sẵn sàng lao tới. Mọi quyết định thiết kế đều hướng đến việc tạo ra cảm giác về tốc độ ngay cả khi không vận hành."
Ông chia sẻ thêm: "Kể từ khi Jean Bugatti bắt đầu dùng màu sơn kép cho những chiếc xe của hãng, nó đã trở thành một phần quan trọng trong DNA thiết kế của Bugatti và tiếp tục với Tourbillon theo cách nguyên bản nhưng hiện đại. Đường cong Bugatti Line trên thân Tourbillon được lấy cảm hứng từ các đường phân chia màu sắc của Type 41 Royale, một tạo hình đã trở thành yếu tố thiết kế cốt lõi của cả Veyron và Chiron. Để phù hợp với tỷ lệ mới và đường viền mái hạ thấp, Bugatti Line giờ đây được uốn cong sắc nét hơn, nghiêng nhẹ về phía trước khi uốn qua mái, tạo cho mặt bên thân xe cảm giác như đang chuyển động."
Không chỉ tỉ mỉ ở thiết kế và tỷ lệ, mọi bề mặt, cửa hút và hốc thông gió đều được trau chuốt để cân bằng lực khí động học khổng lồ của một chiếc ô tô đang di chuyển với tốc độ trên 400 km/h cũng như các yêu cầu về nhiệt động của động cơ V16, các động cơ điện và bộ pin ở mức hiệu suất cao nhất.
Kế thừa hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển chuyên biệt từ Veyron và Chiron, Tourbillon sở hữu một số công nghệ đã được cấp bằng sáng chế. Nhờ sự cân bằng lực hoàn hảo được tạo ra bởi những cải tiến mới này, cánh gió sau thậm chí vẫn có thể ẩn khi chạy ở tốc độ tối đa. Cánh gió sau hiện được sử dụng để tạo lực ép xuống mặt đường cao hơn ở dải tốc độ chậm hơn, đồng thời đóng vai trò như hệ thống phanh hơi để cải thiện độ ổn định khi giảm tốc.
Phần lớn sự cân bằng khí động học này là nhờ vào ý tưởng bộ khuếch tán mới, bắt đầu ngay sau cabin hành khách và nâng lên theo góc lý tưởng để giữ cho Tourbillon đạt trạng thái cân bằng hoàn hảo. Bộ khuếch tán này được phát triển dựa trên khái niệm va chạm hoàn toàn mới, tích hợp hoàn toàn trong cấu trúc của chính bộ khuếch tán, không chỉ mang lại hiệu suất cao mà còn có thể ẩn khỏi tầm nhìn, cho phép thiết kế phần đuôi xe mở.
Trọng tâm đặc tính thiết kế của Tourbillon là tạo hình móng ngựa mang tính biểu tượng, từ đó bắt nguồn tất cả các đường nét của chiếc xe, định hình khối thân trung tâm. Được tích hợp ở hai bên đầu xe là các tấm chắn bùn có khe, hỗ trợ đưa luồng không khí bên dưới đèn pha bổ sung vào các cửa hút gió bên. Sự tương tác phức tạp của luồng không khí cũng được thể hiện rõ hơn qua thiết kế phía trước khi tích hợp một hệ thống làm mát cực kỳ hiệu quả trong khi vẫn giữ tỉ lệ hoàn hảo của phần đầu xe, dẫn không khí qua và ra khỏi nắp capô, tăng lực ép xuống đồng thời tạo được lượng lớn không khí đi đến hai bộ tản nhiệt.
Hoàn thiện ngoại thất ấn tượng của Tourbillon là bộ cửa nhị diện tiên tiến, điều khiển bằng điện, có thể mở và đóng bằng chìa khóa thông minh, nút mở cửa cũng nằm ngay bên dưới đường cong Bugatti Line và trên bảng điều khiển trung tâm.
Không gian nội thất
Với triết lý thiết kế nội thất tập trung vào sự vượt thời gian và lấy cảm hứng từ ngành chế tác đồng hồ, trong đó những chiếc đồng hồ đeo tay hơn 100 năm tuổi vẫn hợp thời và được tích hợp liền mạch với thời trang và phong cách sống hiện đại, đội ngũ thiết kế và kỹ thuật của Bugatti đã tiên phong đưa trải nghiệm đồng hồ analog đích thực vào trong cabin của Tourbillon. Bugatti sử dụng một cụm đồng hồ được thiết kế và chế tác với chuyên môn của các thợ đồng hồ Thụy Sĩ. Cụm công cụ này được tạo thành từ hơn 600 chi tiết và được làm từ titan, các loại đá quý như sapphire và hồng ngọc, cụm khung được phát triển với dung sai lớn nhất là 50 micron, nhỏ nhất là 5 micron và chỉ nặng 700g. Kiệt tác phức tạp này là tâm điểm của trải nghiệm lái, thay vì nằm trên táp lô, nó được cố định trên trục lái và sẽ không di chuyển khi vành vô lăng quay xung quanh nó, cơ cấu này được gọi là vô lăng trung tâm cố định.
Kết hợp với cụm đồng hồ đậm chất cơ học là khu vực bảng điều khiển trung tâm cũng phức tạp không kém với sự hòa trộn giữa nhôm và thủy tinh pha lê trong suốt, thể hiện rõ các công tắc và mức khởi động động cơ bên trong. Loại kính này phải trải qua 13 giai đoạn riêng biệt để đảm bảo nó hoàn toàn trong suốt, cực kỳ chắc chắn và an toàn trong trường hợp xảy ra tai nạn. Các bộ phận bằng nhôm của bảng điều khiển được hóa nhôm và phay từ một khối kim loại duy nhất, trong khi các công tắc bằng nhôm có khía được phát triển nội bộ hoàn toàn. Quá trình đốt cháy động cơ V16 hút khí tự nhiên hoàn toàn mới và hệ thống truyền động điện cũng được chế tạo để trở thành một trải nghiệm vật lý, dựa theo cách sử dụng của những chiếc ô tô trong lịch sử thông qua việc kéo để khởi động và đẩy để dừng lại.
Tourbillon
cũng tích hợp một màn hình kỹ thuật số có độ nét cao nhưng được thiết
kế phức tạp để có thể nằm ẩn vào bên trong bảng điều khiển trung tâm.
Màn hình này có chế độ dọc cho camera lùi và chế độ ngang hoàn toàn,
hiển thị dữ liệu xe và kết nối liền mạch với các hệ thống di động khác.
Mọi quyết định về nội thất cũng như ngoại thất đều được thực hiện với mục đích tối ưu hóa hiệu suất mà không ảnh hưởng đến tính thực dụng hay sự thoải mái. Chẳng hạn, dù ghế ngồi được cố định xuống sàn xe để giảm trọng lượng và hạ thấp trọng tâm nhất có thể nhưng bộ bàn đạp đi kèm có thể chỉnh điện để đảm bảo tư thế lái thoải mái nhất cho mọi người. Giải pháp mới này không chỉ mang lại nội thất rộng rãi, lý tưởng cho những chuyến đi dài mà còn thuận tiện để sử dụng hàng ngày. Ngay cả hệ thống âm thanh cũng được thiết kế khá khác biệt khi không sử dụng loa trầm truyền thống, mà chọn hệ thống loa tiên tiến kết hợp các thiết bị tăng cường âm thanh trên các tấm cửa và khắp xe để biến các mặt nội thất hiện có thành loa. Hệ thống này không chỉ nhẹ hơn mà còn hiệu quả hơn so với các cơ cấu âm thanh truyền thống.
Christophe Piochon, Chủ tịch của Bugatti, chia sẻ: "Cũng như những đột phá ngoạn mục đã tạo nên nội thất vượt thời gian như thế này, chúng tôi tập trung vào tính nguyên bản của vật liệu và sự hoàn hảo ở mọi bộ phận. Những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được, nếu bạn thấy sợi carbon hoặc da, thì đó chính là nó, và luôn là loại tốt nhất có thể. Với Tourbillon, chúng tôi đang nâng tính chân thực và kỹ thuật thủ công hoàn hảo này lên một tầm cao mới. Nền tảng Bugatti hoàn toàn mới của chúng tôi đã được thiết kế đến từng chi tiết nhỏ nhất để thể hiện hành trình theo đuổi sự xuất sắc về mặt kỹ thuật. Giống như các sáng tạo của Ettore Bugatti, ngay cả những chi tiết không thể nhìn thấy đều là một tác phẩm nghệ thuật và đó cũng là mục tiêu của chúng tôi với Tourbillon. Một chiếc xe tuyệt đẹp đến từng chi tiết, mang đặc điểm nhận diện của Bugatti và cũng là một kiệt tác về thiết kế và kỹ thuật."
Hệ truyền động và hiệu suất
Động cơ Bugatti W16 không giống bất kỳ động cơ ô tô nào khác trên thế giới vào thời điểm nó được ra mắt. Với 4 động cơ tăng áp kết hợp công suất vượt trội, nó đã đặt ra một chuẩn mực mới cho giới hạn của công nghệ động cơ đốt trong, và hai thập kỷ sau khi được tạo ra, nó vẫn chưa có đối thủ hay có một bản sao. Tiếp sau động cơ đặc biệt này là một kiệt tác có một không hai khác của kỹ thuật đốt trong, kết hợp với mô-men xoắn tức thời và tính linh hoạt của các động cơ điện.
"Trái tim" của siêu xe thể thao Bugatti thế hệ tiếp theo này là động cơ 8.3L V16 hút khí tự nhiên, kết hợp bộ truyền động tích hợp vào cấu trúc trục gồm hai động cơ điện ở trục trước và một động cơ điện ở trục sau. Tổng cộng, Tourbillon sản sinh công suất 1.800 mã lực, trong đó 1.000 mã lực đến từ động cơ đốt trong và 800 mã lực từ các động cơ điện. Đây là một thành tựu ngoài sức tưởng tượng, đạt được nhờ vào một loạt các vật liệu và công nghệ tiên tiến. Với các vật liệu nhẹ, hệ thống động cơ này chỉ nặng 252 kg.
Các động cơ điện được cung cấp năng lượng bởi bộ pin 800V, 25 kWh, làm mát bằng dầu, đặt trong đường dẫn trung tâm và phía sau khoang hành khách. Hệ thống truyền động điện, với các động cơ điện quay tới 24.000 vòng/phút tích hợp bộ biến tần silicon carbide kép này là một trong những hệ thống có mật độ công suất cao nhất trên thế giới. Các trục chứa động cơ điện có thể cung cấp hơn 6 kW trên mỗi kg khối lượng trục, bao gồm bộ biến tần, động cơ và hộp số. Theo đó, hệ thống động cơ điện này cùng hệ dẫn động bốn bánh giúp tăng công suất, tốc độ phản ứng chân ga và mô-men xoắn cho Tourbillon, ngoài ra còn cho phép chiếc xe hoạt động hoàn toàn bằng điện trong phạm vi 60 km.
Trong ngành công nghiệp ô tô, thường mỗi mẫu xe mới sẽ nặng hơn mẫu xe tiền nhiệm. Đặc biệt trong trường hợp mẫu xe mới bổ sung thêm hệ truyền động hybrid hoặc có hiệu suất cao hơn. Nhưng điều đó là ngoại lệ với một chiếc Bugatti. Tourbillon sở hữu hiệu suất ấn tượng, hệ truyền động điện rất mạnh mẽ, bộ pin lớn, tuy nhiên nó nhẹ hơn Chiron, đây là minh chứng cho kỹ thuật đáng kinh ngạc đằng sau Tourbillon.
Nhờ sự kết hợp giữa hệ truyền động hybrid cực kỳ tiên tiến, trọng lượng nhẹ, và tính khí động học tiên tiến, Tourbillon đã đạt hiệu suất ngoài mong đợi, nâng cao trải nghiệm lái mà vẫn có thể giảm đáng kể lượng khí thải so với phiên bản tiền nhiệm, đưa đỉnh cao của ngành công nghiệp ô tô lên tầm cao mới.
Theo Emilio Scervo, CTO của Bugatti, mục tiêu của hãng là tận dụng mọi khía cạnh của Chiron và nâng tầm nó, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật tinh tế và phức tạp cũng như các công nghệ mới để tạo ra một kiệt tác vượt thời gian. Cho dù là bất kỳ bộ phận nào của chiếc xe, từ bên trong, bên ngoài hay bên dưới lớp vỏ đều có thể đặt vào trong một phòng trưng bày nghệ thuật. Tất cả những tiêu chí đó tạo ra một Tourbillon đẹp từ trong ra ngoài, là chiếc Bugatti mạnh mẽ nhất cho đến nay, đồng thời nâng sức hấp dẫn về cơ khí và vẻ đẹp kỹ thuật lên một tầm cao mới. Đối với hệ thống truyền động, Bugatti phải cân nhắc rất kỹ về việc tái cấu trúc động cơ W16 thành động cơ điện hay là tạo ra một hệ thống gì đó hoàn toàn mới. Cuối cùng, phương án khó nhất được chọn khi hãng quyết định tạo ra hệ truyền động mới và ghép nối nó liền mạch với hệ thống động cơ điện tử phức tạp, hộp số ly hợp kép 8 cấp thế hệ mới và hơn thế nữa, tất cả đều được phát triển từ những trang giấy dành riêng cho Tourbillon. Nhưng điều quan trọng nhất là chiếc xe này vẫn giữ được cảm giác tương tự thuần khiết và thô sơ của động cơ đốt trong hút khí tự nhiên, đồng thời kết hợp điều đó với sự nhanh nhẹn do động cơ điện mang lại. Với Tourbillon, Bugatti đã chế tạo một chiếc ô tô sở hữu công nghệ đốt trong và điện khí hóa tốt nhất; không có sự khoan nhượng và được phát triển với sự cống hiến vượt thời gian nhằm tạo ra trải nghiệm lái xe đáng nhớ.
Kỹ thuật và công nghệ
Tourbillon được thiết kế với khung gầm và cấu trúc thân xe hoàn toàn mới. Cấu trúc được làm từ vật liệu composite carbon T800 thế hệ mới, kết hợp một số cải tiến tinh giảm trọng lượng như tích hợp pin thành một phần cấu trúc của khung liền khối hay bộ khuếch tán sau bằng composite chống va chạm, lấy cảm hứng từ bộ môn đua thể thao. Hệ thống ống dẫn khí bằng composite phía trước dẫn không khí chảy qua đầu xe cũng là một phần không thể thiếu của cấu trúc, đảm bảo mọi bộ phận của cấu trúc cứng, nhẹ và đều được tối ưu hóa. Theo đó, khung trước và sau đều được đúc bằng nhôm mỏng áp suất thấp đồng thời sử dụng các thanh giằng in 3D, góp phần tạo nên cấu trúc nhẹ hơn và cứng hơn đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm.
Bugatti cũng tích hợp bộ khung gầm mới với hệ thống treo đa liên kết phía trước và sau, được rèn từ nhôm, chuyển đổi từ kết cấu thép xương đòn kép có trên Chiron. Bằng cách chọn tay đòn với thiết kế hữu cơ mới, thẳng đứng và in 3D bằng nhôm, các kỹ sư đã tiết kiệm được 45% trọng lượng hệ thống treo so với Chiron. Đuôi xe cũng được trang bị một cánh dẫn khí rỗng in 3D do AI phát triển để bổ sung động lực học và hiệu suất khí động học cho chiếc siêu xe.
Hệ thống phanh của Tourbillon cũng tiên tiến không kém, nổi bật với công nghệ gốm carbon ceramic tối ưu. Một hệ thống phanh điện tử bằng dây được chế tác riêng cũng xuất hiện, tích hợp với bộ bàn đạp có thể di chuyển và kết hợp hoàn hảo với nhau thông qua bộ điều khiển phi tuyến tính tích hợp trên xe do Bugatti phát triển với hệ thống truyền động hybrid. Tourbillon sử dụng bộ lốp Michelin Pilot Cup Sport 2 được phát triển dành riêng cho nó với kích thước 285/35 R20 ở trục trước và 345/30 R21 ở trục sau.
Với khung gầm mới, trục trước có kích thước siêu nhỏ gọn và nhẹ dù tăng thêm độ phức tạp mà không cần thêm không gian khi chứa hai động cơ điện độc lập và bộ biến tần kép. Ngoài ra, đội ngũ thiết kế và kỹ sư cũng giải phóng thêm không gian lưu trữ cùng khu vực hành lý lớn hơn, tích hợp thành một phần của thiết kế khung gầm và thân xe mới, cho phép người dùng để vừa một bộ hành lý Bugatti Tourbillon được thiết kế riêng.
Dự kiến ra mắt vào năm 2026
Mate Rimac cho biết: "Ettore và Jean không bao giờ chịu đầu hàng trước mọi khó khăn. Số lượng bằng sáng chế mà Ettore có thật đáng kinh ngạc, bởi vì ông không bao giờ muốn giải pháp đơn giản nhất, mà luôn muốn giải pháp tối ưu nhất, ngay cả khi nó chưa tồn tại. Ông ấy sẽ suy nghĩ và phát triển nó, kiểm tra và tinh chỉnh nó cho đến khi thực sự hoàn hảo, và sau đó là làm cho nó trở thành một tác phẩm. Đó chính là động lực thúc đẩy mọi thứ mà hãng đã làm với Tourbillon hiện tại. Dù thật điên rồ khi chế tạo một động cơ V16 mới tích hợp bộ pin cùng động cơ điện mới, cho đến việc sử dụng cụm đồng hồ đến từ Thụy Sĩ và các bộ phận của hệ thống treo được in 3D, nhưng đó là điều Ettore lẽ ra đã làm, và đó là điều khiến Bugatti trở nên vượt thời gian và không thể so sánh được. Nếu không có tham vọng đó, bạn có thể tạo ra một chiếc siêu xe thể thao tuyệt vời, nhưng sẽ không tạo ra được một biểu tượng vĩnh cửu."
Bugatti Tourbillon hiện đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trước khi giao đến tay khách hàng vào năm 2026. Tổng cộng chỉ 250 chiếc được sản xuất với giá khởi điểm khoảng 4,1 triệu USD. Quá trình lắp ráp thủ công sẽ diễn ra tại Bugatti Atelier, Molsheim, theo sau các mẫu Bugatti cuối cùng sử dụng động cơ W16 là Bolide và W16 Mistral.