BYD tham vọng bán hơn 300.000 xe/năm tại Châu Âu

BYD là thương hiệu xe năng lượng mới nổi tiếng với mức tăng trưởng nhanh chóng ở Trung Quốc, và điều tương tự cũng đang dần bắt đầu ở Châu Âu. Hãng này kỳ vọng trong vòng 2 năm tới sẽ bán được số lượng 300.000 xe/năm tại Châu Âu. BYD đã xây dựng một nhà máy ở Hungary đồng thời ký hợp đồng xây dựng một nhà máy khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, để cung ứng cho lục địa này vào cuối năm 2026.

Seal U DM-i

Trả lời cho những hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu 300.000 xe/năm, Stella Li, CEO BYD Châu Âu, đã phản hồi ngắn gọn về câu hỏi làm sao họ có thể phát triển nhanh đến vậy? "Xây dựng nhận diện thương hiệu. Tập trung vào chất lượng. Không chạy theo lợi ích ngắn hạn mà thực hiện những bước đi chắc chắn."

Bà đưa ra một ví dụ về việc xây dựng thương hiệu khi BYD tài trợ cho Euro 2024. Dù con số cho một sự kiện có sức ảnh hưởng toàn cầu như vậy là không hề nhỏ nhưng đây chính là khoản đầu tư chiến lược, qua đó tăng khả năng nhận diện thương hiệu, sự chú ý của truyền thông và đến gần với khách hàng hơn. Nhờ như vậy, các khách hàng sẽ sẵn sàng thử một chiếc xe của hãng, và "60% những người thử xe của chúng tôi đều mua một chiếc," bà Li khẳng định.

BYD luôn sẵn sàng học hỏi. Những chiếc xe sẽ liên tục được cải tiến theo phản hồi từ những người lái, vì vậy mỗi lô hàng xuất xưởng đều hoàn thiện hơn từng ngày. Trọng tâm ban đầu của hãng là xe chạy bằng pin cho thị trường Châu Âu, nhưng Li cho biết BYD đã bắt được cơ hội khi mọi người ưa chuộng xe plug-in hybrid với công nghệ DM-i của hãng.

Bà Li cho biết BYD sẽ tập trung vào công nghệ DM-i, đồng thời sẽ có nhiều mẫu xe với hệ truyền động này hơn vào năm tới theo sau mẫu SUV Seal U DM-i. Nhà máy ở Hungary có thể sản xuất ít nhất 8 mẫu xe khác nhau trên cùng một dây chuyền sản xuất, và đây là mức độ linh hoạt mà hầu như không có nhà sản xuất nào khác có thể đảm đương được.

Stella Li, CEO BYD Châu Âu

Trong bối cảnh EU đang áp dụng mức thuế quan lớn đối với xe điện Trung Quốc tùy theo mức trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc. Dù không cao bằng một số hãng khác nhưng mức thuế nhập khẩu của BYD cũng lên tới 27,4%. Bà Li cho rằng không hoàn toàn đúng nếu nói thuế quan gây tổn hại đến người tiêu dùng ở EU khi phải đẩy giá xe lên.

Chiến lược của BYD là sản xuất xe điện tại Châu Âu, trở thành một nhà sản xuất ở địa phương để giảm thiểu những thách thức và tránh mức thuế mới của EU đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. BYD sẽ sản xuất các mẫu xe bán chạy nhất của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, tập trung nội địa hóa trong 5 năm. Đầu tiên là sản xuất bộ pin tại EU, sau đó mới đến các tế bào pin.

Hiển nhiên, cho đến khi các nhà máy kể trên đi vào hoạt động, mức độ tăng trưởng của BYD có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan dù hãng có tung ra 4 đến 6 chiếc xe mới trong 2 năm như Li mong đợi. Nếu Anh không tuân thủ mức thuế quan của EU, thì nước này có thể là thị trường chính của BYD.

Vừa qua tại Goodwood Festival of Speed, BYD còn giới thiệu thêm 2 thương hiệu cao cấp là Yangwang với siêu SUV U8 và siêu xe U9, tiếp đó là Denza với mẫu MPV mạ crôm bắt mắt. Bà Li chia sẻ đây là một bước đệm cho những chiếc xe này, và sẽ mất 2 năm để ra mắt cả hai thương hiệu tại Anh. Dù phân khúc cao cấp ở Anh có tiếng là bảo thủ về thương hiệu với mức độ cạnh tranh khốc liệt đến mức có thể bóp nghẹt bất kỳ người mới nào, bà Li vẫn tin rằng mọi người sẽ cởi mở hơn với các thương hiệu mới, tập trung vào công nghệ trong lĩnh vực EV và PHEV. Theo bà, cần phải xây dựng trải nghiệm của khách hàng, từng bước một và phải tốt hơn 10 lần so với các đối thủ. Ví dụ, U8 có thể bơi như thuyền. Đó là chiếc xe duy nhất có thể làm được điều đó và là một bước phát triển của BYD, thú vị và thiết thực.

Li chia sẻ: "BYD là một công ty kỹ thuật. Chúng tôi có 110.000 kỹ sư và nộp 32 bằng sáng chế mỗi ngày. Nếu coi một chiếc ô tô chạy bằng xăng là điện thoại 2G, thì chúng tôi là 5G." Kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng của Li cho BYD ở Châu Âu có thể hiện thực hóa hay chỉ là tưởng tượng hoang đường? Câu trả lời sẽ sớm được hé lộ trong 2 năm tới.

Chia sẻ bài đăng
Tin Tức