Hơn 7 năm tham gia chuỗi cung ứng cho VinFast, CNC Vina tăng quy mô tài sản từ 30 triệu USD lên 500 triệu USD.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty CNC Vina, chia sẻ tại hội thảo về nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô, hôm 12/12. Theo ông, CNC Vina đồng hành cùng VinFast từ năm 2017 ở nhiều công đoạn sản xuất xe máy và ô tô, hiện là đối tác dập thân vỏ cửa của các dòng xe VinFast.
"VinFast đã chia sẻ động lực cho chúng tôi. CNC Vina khi ấy quy mô còn nhỏ, nhưng được tiếp cận với tư duy lớn. Từ một cơ sở sản xuất quy mô tài sản 30 triệu USD, sau hơn 7 năm chúng tôi đã tăng trưởng tới 12 lần, lên 500 triệu USD," ông Nguyễn Văn Hùng nói tại hội thảo.
Ông Trần Quốc Minh Đăng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ý Chí Việt, cho biết năm 2020 doanh nghiệp đã có bước ngoặt lớn khi cung cấp linh kiện cho hãng xe điện Việt Nam, là cơ hội "lửa thử vàng" bởi sản xuất linh kiện cho ô tô VinFast đòi hỏi năng lực cao, quá trình kiểm soát chất lượng khắt khe. Ông cho biết việc bắt tay VinFast là cơ hội để doanh nghiệp cung ứng khẳng định mình trong điều kiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhiều năm bị coi "ốc vít cũng không làm được".
"VinFast đã tin tưởng, tạo điều kiện để chúng tôi chứng minh năng lực và phát triển trong chuỗi sản xuất ô tô," lãnh đạo công ty Ý Chí Việt nói, thêm rằng doanh nghiệp đã cung cấp hơn 80 linh kiện, cùng hơn 60 khung nhựa cho nhiều dòng xe VinFast, từ VF e34, VF 9 và bus điện.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho biết, ông ấn tượng với những thành tựu hãng ô tô Việt làm được trong 7 năm qua. "VinFast là cánh chim đầu đàn nhưng dẫn dắt chứ không đi một mình, giúp nhiều doanh nghiệp đi nhanh, thậm chí bỏ qua một số giai đoạn tuần tự," ông nói.
Từ mô hình này, vị chuyên gia mong muốn VinFast sẽ "kéo theo nhiều cánh chim khác", để nền công nghiệp trong nước đi nhanh hơn vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng sự đóng góp của những doanh nghiệp đi đầu như VinFast sẽ ngày càng lớn, bởi tỷ lệ nội địa hóa hãng này tiếp tục tăng, dự kiến đến 84% vào năm 2026, thay vì mức hơn 60% hiện tại.
Từ chiến lược nội địa hóa trên, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ông đánh giá cao việc VinFast làm chủ những chi tiết quan trọng của xe điện như cell pin, hệ truyền động, hệ thống điều hòa... Bên cạnh các chi tiết chính, hãng xe Việt cũng định hướng nội địa hóa các bộ phận như vành, phanh-lái, kính-gương, tạo nên tỷ lệ nội địa hóa cao cho những mẫu xe.
"Với sự đồng hành của VinFast, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có hệ sinh thái lớn cho ô tô, mở ra tương lai ngành công nghiệp sản xuất nội địa," GS.TS Lê Anh Tuấn nói, thêm rằng trước đó, Việt Nam chỉ có hơn 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực phụ trợ, giá trị mang lại cho nền kinh tế không quá lớn.
Theo VnExpress